Phổ điểm môn ngoại ngữ sẽ từ 5 – 6, cao hơn năm trước111.jpg

Trong đề thi ngoại ngữ có nhiều từ vựng lạ và khó, đòi hỏi học sinh phải có học lực khá, giỏi mới có thể làm tốt được.

Cô giáo Trần Thị Uyên, Trường THPT Trần Phú, Hoàn Kiếm nhận định: Đề thi có tính phân hoá cao, gắn với thực tiễn.

Về cấu trúc: Đề thi bám sát đề thi minh hoạ của Bộ GD&ĐT. Các câu hỏi bố trí từ dễ đến khó, đa phần và không đánh đố thí sinh.

Nội dung: Kiểm tra kiến thức cơ bản trong chương trình sách giáo khoa. Không có kiến thức đã giảm tải do chương trình bị điều chỉnh bởi dịch Covid-19.

Đề thi có các câu hỏi mang tính thực tiễn. Các chủ đề trong bài đọc đều gắn với thực tiễn cuộc sống như: tiêu thụ năng lượng, giáo dục, mạng xã hội… đều là những chủ đề được học trong chương trình sách giáo khoa.

Cùng với đó, đề thi có cả những câu hỏi mang tính thời sự. Ví dụ câu hỏi liên quan đến Covid-19 (câu 44)

So với đề thi tiếng Anh kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, đề năm nay dễ hơn. Tuy nhiên vẫn đảm bảo 2 tiêu chí: xét công nhận tốt nghiệp và dùng cho các trường Đại học, Cao đẳng làm cơ sở tuyển sinh.

Dự đoán phổ điểm trung bình học sinh có thể đạt được là từ 5 – 6 điểm. Chỉ cần các em làm được phần ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp và các câu giao tiếp, viết lại câu thuộc phần kiến thức cơ bản là có thể đạt điểm trung bình.

Để đạt điểm 9 – 10 học sinh phải biết vận dụng và vận dụng cao các kiến thức đã học cũng như có vốn từ vựng và kỹ năng làm bài tốt để tránh được “bẫy” của người ra đề.

Những câu vận dụng cao nằm ở bài đọc số 2 (câu 36, 41, 42) hoặc câu chữa lỗi sai (câu 50). Với mức độ của đề thi này, sẽ không ít học sinh có thể chinh phục điểm giỏi.

Thầy Võ Anh Tuấn, giáo viên tiếng Anh Trường Marie Curie Hà Nội: Trong bài có nhiều từ vựng lạ và khó

Nhận xét về đề thi Ngoại ngữ tốt nghiệp THPT năm nay, thầy Tuấn cho biết, đề có độ khó vừa phải, phù hợp với nội dung kiến thức trong chương trình học đã được tinh giản của Bộ GD&ĐT.

Đề có sự phân hóa tốt, nếu học sinh nắm chắc kiến thức thì phổ điểm sẽ rơi vào khoảng 6-7 điểm. Với mức phân hóa như vậy sẽ phù hợp với mục đích xét tốt nghiệp. Còn để đạt được điểm 8-9, thì học sinh cần phải làm được tốt những câu ở mức vận dụng cao, ví dụ câu số 27 và bài đọc hiểu số 2 từ câu 44 đến 50.

Để đạt điểm 10, các em phải chịu khó tìm tòi học hỏi thêm kiến thức về các từ vựng dễ bị nhầm lẫn, cụm động từ và các thành ngữ không có trong sách giáo khoa, ví dụ câu số 23, hoặc 29. Với mức độ phân hóa này, sẽ phù hợp với mục tiêu xét tuyển Đại học, Cao đẳng.

Nhìn chung đề khá sát với đề minh họa, phần ngữ âm, trọng âm “dễ thở”, không có câu đánh đố.

Phần ngữ pháp, phủ được đầy đủ kiến thức ngữ pháp trong chương trình phổ thông, có nhiều câu kiến thức cơ bản. Ví dụ câu về mạo từ -câu số 5, hoặc câu số 6 là thì quá khứ đơn, hoặc câu 30 là kiến thức về chia động từ ở thì hiện tại đơn.

Về từ vựng không có quá nhiều từ vựng mới, đa phần các từ đã xuất hiện trong sách giáo khoa.

Về phần đọc hiểu, cấu trúc giống với đề minh họa lần 2 là gồm 1 bài 5 câu hỏi và 1 bài 7 câu hỏi.

Bài 5 câu hỏi, nội dung kiến thức vừa sức với học sinh, chỉ cần các em nắm vững kỹ năng đọc rà và đọc lướt của phần đọc hiểu thì sẽ có thể hoàn thành bài rất nhanh mà không cần phải đọc hay dịch hết toàn bộ bài.

Bài đọc hiểu 7 câu, có nội dung rất thú vị về vấn đề môi trường, cụ thể là về các nguồn năng lượng có thể tái tạo.

Chủ đề này mang tính giáo dục và định hướng cao đúng với tinh thần của Bộ GD&ĐT. Tuy nhiên, trong bài có nhiều từ vựng lạ và khó, đòi hỏi học sinh phải có học lực khá, giỏi mới có thể làm tốt được.

Theo tôi, với đề thi này, các em học sinh sẽ rời phòng thi với tâm trạng phấn khởi.

Phổ điểm môn ngoại ngữ sẽ từ 5 – 6, cao hơn năm trước222.png

Theo nhận định của giảng viên đại học: Câu hỏi trong đề thi ngoại ngữ có tính phân loại cao

Đề thi có tính phân loại thí sinh cao, có thể dùng để xét tuyển vào các trường đại học

Đó là nhận định của cô Cấn Thị Chang Duyên, giảng viên Khoa Sư phạm Tiếng Anh - Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội về đề thi ngoại ngữ tốt nghiệp THPT năm 2020.

Theo cô Duyên, đề thi có nội dung bao phủ khá tốt kiến thức về cấu trúc, ngữ âm và từ vựng của chương trình THPT. Đề thi có tính phân loại thí sinh cao, có thể dùng để xét tuyển vào các trường đại học và cao đẳng.

Cụ thể, Về kiến thức cấu trúc: các cấu trúc quen thuộc như câu hỏi đuôi, thời thì, quán từ, câu điều kiện, mệnh đề quan hệ, mệnh đề trạng ngữ… đều được thấy xuất hiện trong đề thi. Những cấu trúc có tính vận dụng và vận dụng cao như cấu trúc rút gọn, câu điều kiện loại 3… cũng xuất hiện. Tuy nhiên, những cấu trúc này có thể thấy xuất hiện phổ biến trong các đề thi THPT những năm gần đây.

Về kiến thức từ vựng: Ngoài các từ, cụm từ vựng quen thuộc như to be famous for, do someone good/ harm, các cụm động từ (phrasal verbs) thường gặp như take after, make up, turn off… không gây nhiều khó khăn cho học sinh. Một số từ vựng và cụm từ (collocation) có tính vận dụng và vận dung cao như: get hot under collar, unfailing support, part and parcel… mang tính phân loại thí sinh cao.

Về kiến thức ngữ âm: Bốn câu về phát âm và trọng âm đều là những từ quen thuộc và tuân thủ theo quy tắc phát âm đuôi /s/, quy tắc đánh dấu trọng âm của từ hai âm tiết và ba âm tiết…Các câu hỏi đều ở mức độ nhận biết, không gây khó khăn cho học sinh.

Về kỹ năng Đọc: Các bài đọc đều là những chủ đề xã hội:

Bài đọc số 1 có chủ đề về thăm quan dã ngoại là một bài đọc dễ, không gây quá nhiều trở ngại cho thí sinh.

Bài đọc số 2 về chủ đề môi trường, cuộc sống sinh hoạt. Mặc dù đây là chủ đề quen thuộc, nằm trong chương trình THPT, song từ vựng trong bài khá khó (có nhiều từ ghép và mới lạ với thí sinh như off-grid, pipe-dream, convection…); các lựa chọn ở câu hỏi dễ gây nhiễu cho thí sinh. Bài đọc này có tính phân loại thí sinh cao.

Bài điền từ về chủ đề mạng xã hội, có 02 câu hỏi từ vựng ở mức độ vận dụng và vận dụng cao. Tuy nhiên, các từ vựng này đều khá quen thuộc với học sinh. 03 câu hỏi còn lại ở mức độ nhận biết và thông hiểu.

Về chức năng ngôn ngữ: Hai câu hỏi ở phần này ở mức độ thông hiểu và vận dụng, nằm trong chương trình THPT và quen thuộc với học sinh.

Về kỹ năng Viết: Các câu hỏi có tính phân loại thí sinh cao, nội dung trải đều từ thông hiểu đến vận dụng cao như câu gián tiếp, câu điều kiện, cấu trúc so sánh, cấu trúc câu với động từ khuyết thiếu…

Cô Duyên cho biết, với đề thi này, học sinh trung bình có thể đạt khoảng 4-5 điểm, nhiều học sinh giỏi có thể đạt 8 điểm trở lên.