Thí sinh hoàn thành xong bài thi môn Tiếng Anh kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Tiếng Anh là môn thi cuối cùng trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, đề thi Tiếng Anh THPT năm 2020 với cấu trúc và nội dung đáp ứng được hai mục đích mà kỳ thi đặt ra đó là giúp đánh giá kết quả học tập, hoàn thành chương trình môn Tiếng Anh của học sinh THPT và kết quả bài thi hoàn toàn có thể giúp các cơ sở giáo dục cao đẳng, đại học tuyển sinh cho khoá học mới.
Theo phân tích của một cô giáo dựa trên kinh nghiệm giảng dạy Tiếng Anh chương trình THPT trong nhiều năm, cấu trúc đề thi gồm 50 câu hỏi trắc nghiệm khách quan, theo đúng cấu trúc đề thi ổn định từ kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017 đến nay. Điều này là một thuận lợi cho các thí sinh do đã được làm quen và ôn luyện các dạng bài tập như các bài xuất hiện trong đề thi ngay từ rất sớm.
Về nội dung kiểm tra trong đề thi được xây dựng đúng theo nội dung chương trình môn Tiếng Anh THPT đã được tinh giản trong điều kiện của năm học đặc biệt, bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 (học kì hai lớp 12 được thực hiện chủ yếu qua hình thức trực tuyến và đài truyền hình quốc gia, truyền hình địa phương).
Xét về mức độ khó/dễ của các câu hỏi thì khoảng 60% số câu hỏi nằm ở mức độ nhận biết và thông hiểu (chủ yếu rải đều ở việc kiểm tra các kiến thức ngữ âm, ngữ pháp và từ vựng ở mức độ cơ bản và kĩ năng nói gián tiếp); 40% còn lại dành cho các câu hỏi ở mức độ vận dụng và vận dụng cao (chủ yếu rải đều ở các câu xử lý vận dụng chọn lựa từ vựng phù hợp với ngữ cảnh cụ thể, kĩ năng đọc hiểu và kĩ năng viết gián tiếp).
Tính thực tiễn của đề thi được sử dụng trong kì thi đặc biệt khi dịch Covid-19 đang diễn ra trên toàn cầu thể hiện ở sự xuất hiện của các câu có nội dung, từ vựng gắn với dịch Covid-19, thực hiện đúng chủ trương tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phòng chống dịch cho học sinh.
Các nội dung và kĩ năng ngôn ngữ được kiểm tra trong đề thi, cụ thể như sau:
1. Về ngữ âm: Về phần phát âm, đề thi kiểm tra cách phát âm của hình vị ‘s’ khi làm hậu tố trong các cách biến đổi danh từ đếm được ở số ít và động từ chia ở ngôi thứ 3 số ít và kiểm tra nguyên âm trong từ đơn tiết.
Về phần trọng âm, đề thi kiểm tra cách nhận diện trọng âm từ (theo quy tắc) đối với các từ hai và ba âm tiết. Các hiện tượng ngữ âm này đều thuộc chương trình Tiếng Anh THPT.
2. Về ngữ pháp: Tất cả các hiện tượng ngữ pháp được kiểm tra trong đề thi là các hiện tượng ngữ pháp rất cơ bản thuộc chương trình Tiếng Anh THPT, chủ yếu ở lớp 11 và học kì 1 của lớp 12.
Các hiện tượng ngữ pháp được kiểm tra trong đề thi là câu hỏi đuôi tag_question (ở mức độ cơ bản, không chứa hiện tượng từ vựng đặc biệt); mạo từ xác định the, giới từ kết hợp cố định với động từ hoặc giới từ (quen thuộc và lặp lại nhiều lần trong chương trình học, ví dụ như to be famous for, to wait for); câu điều kiện loại hai (cấu trúc cơ bản) và câu điều kiện loại ba sử dụng ngữ liên từ but for; cách kết hợp thời (hiện tại hoàn thành và quá khứ thường, tương lai thường); sự hoà hợp về số giữa chủ ngữ và động từ; sử dụng động từ nguyên mẫu hay danh động từ khi làm bổ tố cho các cụm danh từ và tính từ (the last to do smth; no good doing smth); cách sử dụng liên từ chỉ lí do because; sử dụng ngữ phân từ một/hai thay thế mệnh đề quan hệ.
3. Về từ vựng: Các kiến thức được kiểm tra trong bài thi gồm dạng thức biến đổi của từ, cách kết hợp từ, ngữ cố định, sử dụng từ phù hợp ngữ cảnh, động từ cụm (phrasal verbs), từ theo chủ đề (giáo dục), và xác định các từ, cụm từ đồng nghĩa, trái nghĩa dựa trên phân tích ngữ cảnh xuất hiện của từ, cụm từ được giới thiệu với nét nghĩa mới hoặc từ/ngữ mới thông qua các từ và ngữ đã được học trong chương trình.
Nhìn chung các câu hỏi từ vựng trong đề thi (chủ yếu nằm ở các câu hỏi bậc 2, 3) giúp phân loại trình độ thí sinh rất rõ ràng vì các câu hỏi từ vựng đòi hỏi thí sinh không chỉ có vốn từ tốt mà còn có khả năng phân tích tình huống dựa trên kiến thức nền, hiểu biết của cá nhân với tình huống được sử dụng để giới thiệu từ/cụm từ mới. Đặc biệt, việc phân tích tình huống để xác định lỗi sử dụng từ dễ gây nhầm lẫn khá đặc sắc, giúp xác định được các thí sinh giỏi, có kiến thức rất vững về từ vựng trong chương trình.
4. Về kĩ năng: a) Đối với kĩ năng tiếp nhận, đề thi chú trọng vào kĩ năng đọc hiểu, thể hiện ở ba bài đọc hiểu với tỉ trọng 34% số câu hỏi của đề thi, kiểm tra khả năng tiếp nhận văn bản của thí sinh với các dạng thức câu hỏi khác nhau có mức độ bao phủ cả bốn mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao: hoàn thiện văn bản (kiểm tra kiến thức về từ pháp, ngữ pháp trong văn bản) và phân tích văn bản (kiểm tra khả năng xác định cấu trúc thông tin của văn bản thông qua câu hỏi xác định chủ đề, thông tin khái quát, thông tin cụ thể, nghĩa của từ trong văn cảnh, các biểu thức quy chiếu, phân tích, diễn giải và suy luận các thông tin ẩn, …).
Chủ đề của các văn bản được sử dụng để kiểm tra kĩ năng đọc hiểu phù hợp với các chủ đề của chương trình Tiếng Anh THPT, quen thuộc nhưng không nhàm chán, tạo hứng thú cho thí sinh khi tiếp nhận và xử lý văn bản.
b) Đối với kĩ năng tái tạo, đề thi có các câu hỏi kiểm tra kĩ năng nói (gián tiếp) thông qua việc xác định cách sử dụng ngôn ngữ để hồi đáp trong các tình huống giao tiếp đơn giản thể hiện sự đồng tình/đồng thuận về một nhận định, hay tiếp nhận/từ chối một lời mời. Tuy nhiên, số câu hỏi liên quan tới kĩ năng nói chiếm tỉ trọng khá khiêm tốn trong đề thi (4%).
Về kĩ năng viết (gián tiếp), thí sinh có cơ hội nhận diện, phân tích cách xây dựng câu đảm bảo sự hoà hợp giữa chủ ngữ và động ngữ, có khả năng sử dụng các cấu trúc song hành, đặc biệt sử dụng từ chính xác trong tình huống dễ nhầm lẫn; thí sinh có cơ hội xác định các cách diễn đạt khác nhau sử dụng các cấu trúc khác nhau đối với cùng một nội dung thông tin cần diễn đạt; thí sinh nhận diện, phân tích các cách kết hợp câu để xây dựng câu ghép và câu phức từ hai câu đơn lẻ, dựa vào mối quan hệ ý nghĩa các mệnh đề để xác định được các phương tiện liên kết câu phù hợp, đồng thời diễn đạt được cả nghĩa tình thái của mệnh đề. Tỉ trọng câu hỏi kiểm tra kĩ năng viết trong đề thi là 16%, thể hiện ở ba dạng bài tập khác nhau (xác định lỗi trong câu, viết lại câu và kết hợp câu).
Nhìn chung, trong bối cảnh của một năm học đặc biệt, dựa trên chương trình tinh giản môn Tiếng Anh THPT, đề thi Tiếng Anh tốt nghiệp THPT 2020 với cấu trúc và nội dung đã trình bày đủ đáp ứng được hai mục đích mà kì thi đặt ra. Với cấu trúc và cách phân bố tỉ lệ các câu hỏi trong đề thi cho thấy đề thi có tính phân loại tốt - học sinh dễ dàng đạt được điểm 6 - 7 nhưng để đạt được điểm 8,5 - 9 là khó, và học sinh phải thật giỏi và cẩn thận thì mới có thể đạt được điểm 10 tuyệt đối.