Các thí sinh tại kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 (Ảnh: Báo Lao động)
Tính phân loại cao
Theo đó, đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông môn Tiếng Anh năm 2020 có tính tương thích cao với đề thi minh hoạ cả về cấu trúc đề thi và độ khó của đề thi đã được Bộ ban hành trước đó, đề thi vừa sức với đại đa số học sinh, tuy nhiên vẫn có tính phân loại cao.
Theo TS. Nguyễn Hồ Hoàng Thủy - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Huế, đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông môn tiếng Anh năm nay vừa sức với học sinh, có độ khó tương đương đề thi năm 2019. Dự đoán đề thi có thể phân hoá được thí sinh. Theo TS Thuỷ, phần ngữ âm không mang tính đánh đố với thí sinh. Cả 4 câu hỏi ngữ âm đều rất cơ bản. Học sinh chỉ cần nắm được quy tắc cơ bản về ngữ âm là có thể đạt điểm tối đa.
Khác với phần ngữ âm, phần ngữ pháp và từ vựng vừa có câu cơ bản vừa có câu nâng cao. Tuy nhiên, các câu hỏi cơ bản chiếm hơn 2/3 nên nếu thí sinh nắm chắc kiến thức trong chương trình vẫn đạt điểm khá ở phần này. Các câu hỏi khó, mang tính phân hoá tập trung kiểm tra kiến thức của thí sinh về cụm từ, ngữ động từ, thành ngữ. Nếu thí sinh không có kiến thức về từ vựng phong phú, chưa được luyện tập hoặc không được luyện tập thường xuyên những dạng bài này thì khó có khả năng chọn được phương án trả lời tối ưu.
Các bài đọc hiểu có chủ đề vừa quen thuộc vừa mang tính thời sự như mạng xã hội, đi thực tế, thực tập.... Tuy nhiên, học sinh cần có lượng từ vựng tốt và nắm chắc kỹ năng đọc lấy thông tin tổng quát lẫn thông tin chi tiết và cả kỹ năng suy luận thông tin, đoán nghĩa của từ trong ngữ cảnh thì mới đạt điểm tối đa cho phần này. Có thể nói, các câu hỏi phần đọc hiểu có tính phân hoá tốt. Với đề thi năm nay, các thí sinh dự thi ban D sẽ dễ dàng hoàn thành tốt bài thi; tuy nhiên, để đạt được điểm tối đa thì không dễ.
Đồng quan điểm trên, ThS. Võ Thảo Ly và ThS Nguyễn Hữu Anh Vương, Khoa Tiếng Anh, Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Đà Nẵng cũng cho rằng, đề thi năm nay có độ khó trung bình, dễ hơn so với đề thi của các năm trước, dễ đạt điểm với đại đa số học sinh. Tuy nhiên vẫn có tính phân loại cao, nhất là ở phần đọc hiểu. Các câu về ngữ pháp và từ vựng khá cơ bản, bao quát hết các điểm ngữ pháp, chủ đề trong sách giáo khoa. Chủ đề của các bài đọc và các câu hỏi cập nhật, thời sự như về mạng xã hội, đại dịch Covid 19… Có thể dự đoán, phổ điểm tiếng Anh năm nay sẽ có nhiều điểm cao hơn so với các năm trước. Nhiều học sinh sẽ đạt điểm tối đa cho bài thi tiếng Anh.
Dễ có điểm 5, khó có điểm 9,10
Theo cô giáo Dương Thi Phi Oanh - Giảng viên chính Trường Đại học Cần Thơ thì đề thi tốt nghiệp THPT môn Tiếng Anh năm nay không xuất hiện các dạng câu hỏi mới lạ, hầu hết bám sát đề thi tham khảo do Bộ ban hành. Tuy nhiên học sinh phải nắm thật chắc nội dung chương trình phổ thông thì mới có thể làm bài tốt được.
Theo cô Oanh, số lượng câu hỏi phần ngôn ngữ (25 câu đầu của đề thi) ở mức nhận biết nhiều hơn câu hỏi vận dụng cao, do đó đảm bảo đa số học sinh ở mức độ trung bình có thể làm bài được. Đề thi có tính phân hóa cao, giúp phân loại năng lực HS tốt. Mỗi phần thi đều có vài câu hỏi khó, ví dụ: câu 8,15, 45, 49, 50 của mã đề 401. Đặc biệt tính phân hóa được thể hiện rất rõ ở phần Đọc hiểu, cụ thể trong 3 bài đọc, mức độ khó tăng dần (bài đọc 1 tương đối dễ, bài 2 có thể giúp phân hóa HS và bài 3 là bài khó nhất dành cho học sinh giỏi và xuất sắc).
Một số đề kiểm tra từ vựng và ngữ pháp khá sâu và độ khó của các đề chưa thật sự đồng đều. Ví dụ mã đề 403 tương đối khó hơn đề 401. Cách thức viết câu hỏi và việc chọn chủ đề năm nay cũng mang tính học thuật cao hơn, đòi hỏi học sinh phải có mức độ tư duy tốt để có thể hiểu được, ví dụ cụ thể là chủ đề và cách đặt câu hỏi của các bài đọc cuối ở một vài mã đề.
Theo nhận định chung, các chuyên gia đánh giá với đề thi môn Tiếng Anh năm nay, những học sinh nắm được kiến thức cơ bản trong chương trình, có thể dễ dàng đạt 5 điểm. Dự đoán phổ điểm ở mức khá sẽ phổ biến, còn lại điểm số 9 và 10 thì không nhiều, mà chủ yếu dành cho những em thực sự xuất sắc, ôn luyện kỹ lưỡng và có kỹ năng làm bài hiệu quả.