Thực trạng trên đã được đại biểu các sở GD-ĐT khu vực ĐBSCL nêu lên trong Hội thảo đánh giá việc triển khai Đề án “Ngoại ngữ 2020 – sự đa dạng hóa Ngoại ngữ giảng dạy và việc giảng dạy Ngoại ngữ 2 trong trường phổ thông” diễn ra ngày 23-3 tại Bến Tre.

Theo Phó Trưởng ban Thường trực Ban Quản lý đề án Vũ Tú Anh, qua 3 năm đầu tiên, đề án đã thực sự tạo được chuyển biến trong nhận thức xã hội từ người dạy, người học về ý nghĩa, tầm quan trọng của ngoại ngữ đối với chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam, nhất là, trong xu thế hội nhập quốc tế hiện nay. Kết quả khả quan là năng lực tiếng Anh trong bảng xếp hạng quốc tế đã tăng thêm 12 bậc so với trước đó. Tuy nhiên, quá trình triển khai đề án cũng bộc lộ bất cập, trước hết là trong công tác bồi dưỡng giảng viên, giáo viên.

Các đại biểu dự hội thảo cũng đưa ra nhiều giải pháp, sáng kiến. Trong đó, giải pháp nhận được nhiều sự đồng tình là đối với các trường có điều kiện nên tổ chức cho giáo viên đi bồi dưỡng ở nước ngoài, dù chỉ trong một thời gian ngắn nhưng rất hiệu quả. Các trường đại học cần phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức cho giáo viên giao lưu với các tình nguyện viên bản ngữ thường đến nước ta. Những khó khăn về thiếu kinh phí triển khai đề án, mua sắm trang thiết bị phục vụ giảng dạy, lúng túng trong việc tìm kiếm đối tác tin cậy để đưa giáo viên đi bồi dưỡng ở nước ngoài… cũng được các đại biểu đề cập đến.

Bà Vũ Tú Anh nhấn mạnh việc triển khai đề án là rất cần thiết song không được lấy thời gian và tiến độ giải ngân là mục tiêu. Việc thực hiện đề án cần phải tuân thủ phương châm “chất lượng - thực chất”. Dạy học Ngoại ngữ, đánh giá bằng cách thực lực và năng lực của người học. Do đó, công tác chuẩn bị về con người, tài chính rất quan trọng, đồng thời, trong khi thực hiện cần chia lộ trình triển khai cụ thể, đánh giá hiệu quả đạt được theo từng giai đoạn, dựa vào chuẩn giáo viên và chuẩn năng lực học sinh. Kế hoạch, lộ trình cần phải làm rõ để Ban Quản lý đề án và Bộ Giáo dục cấp vốn.