Thứ trưởng Thường trực Phạm Ngọc Thưởng lắng nghe ý kiến chia sẻ của chuyên gia bên lề hội thảo.
Tạo nên hệ sinh thái phát triển ngoại ngữ
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Thường trực Phạm Ngọc Thưởng cho biết, đây là một nội dung quan trọng trong Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo.
Theo Thứ trưởng Thường trực, tiếng Anh là một trong 7 ngoại ngữ được giảng dạy trong các trường học tại Việt Nam. Đây là ngoại ngữ có số lượng học sinh lựa chọn, số trường lớp giảng dạy chiếm đa số, được sử dụng rộng rãi trong và ngoài nhà trường.
“Với mục tiêu giáo dục học sinh trở thành công dân toàn cầu, việc đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học là nhiệm vụ hết sức quan trọng, tác động đến toàn quốc, nhiều thế hệ người Việt Nam”, Thứ trưởng Thường trực nhận định.
Thứ trưởng Thường trực Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại hội thảo
Xác định trọng tâm của đề án, Thứ trưởng Thường trực nhấn mạnh: “Trước đây, dạy, học ngoại ngữ thường tập trung sâu vào ngữ pháp, từ vựng chưa chú trọng nhiều về giao tiếp. Với Đề án này, Bộ GDĐT mong muốn phát triển khả năng giao tiếp của học sinh ở cả trong trường học và ngoài xã hội, tạo nên hệ sinh thái phát triển ngoại ngữ”.
Thứ trưởng mong muốn các chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ quản lý, giảng viên, giáo viên của các tổ chức quốc tế sẽ góp ý về các nội dung của dự thảo đề án liên quan đến học liệu, phương pháp, đảm bảo công bằng giáo dục, chất lượng đào tạo, chương trình, đội ngũ…
Phải đưa tiếng Anh ra ngoài phòng học
Liên hệ với kinh nghiệm của bản thân, ông Davide Guarini Gilmartin, Giám đốc học thuật cao cấp của Hội đồng Anh cho rằng, việc đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học cần lập ra lộ trình ngắn hạn, trung hạn và dài hạn ở tất cả các giải pháp.
Ông Davide Guarini Gilmartin, Giám đốc học thuật cao cấp của Hội đồng Anh
“Đơn cử như việc bồi dưỡng giáo viên, chúng ta có thể thực hiện bằng các lớp học bồi dưỡng ngắn hạn về tiếng Anh cho cả giáo viên tiếng Anh và giáo viên các chuyên ngành khác. Cùng với đó là cấp các chứng chỉ về ngôn ngữ này ở các cấp độ khác nhau theo thời gian, cấp bậc đào tạo để nâng cao năng lực đội ngũ”, ông Davide Guarini Gilmartin nói.
Ngoài ra, ông Davide Guarini Gilmartin cũng có các lưu ý liên quan đến học bổng khuyến khích học sinh, đánh giá chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, hỗ trợ trọng điểm cho các trường khó khăn để đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục, tích hợp giảng dạy tiếng Anh vào các môn học, thiết lập khung đánh giá, giám sát…
Bà Victoria Clark, Giám đốc toàn cầu Bộ phận Các giải pháp đánh giá trong lĩnh vực tiếng Anh của Hội đồng Anh, đề xuất thực hiện hỗ trợ và đánh giá học sinh thông qua các kỹ năng nghe – nói – đọc – viết. Việc đánh giá, kiểm tra cũng cần phải thực hiện một cách phù hợp, thú vị. “Chúng ta phải đưa tiếng Anh ra ngoài phòng học, đảm bảo cơ hội giao tiếp cho học sinh và tiếng Anh phải là một ngôn ngữ “sống”, bà Victoria Clark chia sẻ.
Bà Victoria Clark, Giám đốc toàn cầu Bộ phận Các giải pháp đánh giá trong lĩnh vực tiếng Anh của Hội đồng Anh
Về triển khai thực hiện, bà Victoria Clark cho rằng, giám sát và đánh giá chính sách là vô cùng quan trọng. Bà Victoria Clark nhận định: “Triển khai không phải áp đặt chính sách mà cần có sự đánh giá. Chính sách không phải để đóng cứng, mà có thể có những thay đổi, bổ sung dựa trên các thông tin, thống kê, kết quả rõ ràng và có sự đo lường chuẩn xác”.
Không chỉ học tiếng Anh như một môn học
Tổng hiệu trưởng Hệ thống Victoria Lê Nguyễn Trung Nguyên khẳng định quan điểm, tiếng Anh chỉ thực sự trở thành ngôn ngữ thứ hai khi học sinh được sống trong môi trường tiếng Anh, chứ không chỉ học tiếng Anh như một môn học. “Hệ thống của chúng tôi xây dựng một môi trường học đường nơi tiếng Anh được sử dụng thường xuyên trong các lớp học, hoạt động ngoại khoá và giao tiếp hàng ngày”, bà Nguyên thông tin.
Tổng hiệu trưởng Hệ thống Victoria Lê Nguyễn Trung Nguyên
Tiếp thu tất cả các ý kiến của các đại biểu tham dự hội thảo, Vụ trưởng Vụ Giáo dục phổ thông (Bộ GDĐT) Thái Văn Tài hy vọng, sau hội thảo, với việc tham khảo các bài học kinh nghiệm trên thế giới, tính quốc tế của Đề án sẽ được thể hiện rõ nét hơn.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục phổ thông (Bộ GDĐT) Thái Văn Tài
Đại diện Ban soạn thảo Đề án, ông Tài mong muốn các chuyên gia sẽ tiếp tục gợi mở những giải pháp tương đồng, phù hợp với Việt Nam, tạo ra môi trường học tập linh hoạt trên từng điều kiện cụ thể để Đề án đảm bảo tính khả thi, hiệu quả.
Các đại biểu tham dự tại hội thảo