Đây là một nội dung quan trọng trong Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo.

quang cảnh.jpg

Quang cảnh hội thảo

Đảm bảo chất lượng, không phải “gọt chân vừa giày”

Chủ trì hội thảo, Thứ trưởng Thường trực Phạm Ngọc Thưởng cho biết: Với mục tiêu đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học, Bộ GDĐT luôn xác định đây là cơ hội trang bị, chuẩn bị, nâng cao năng lực cho nguồn nhân lực chất lượng cao của đất nước.

Để thực hiện chủ trương đó, Bộ GDĐT đã tham mưu Chính phủ về xây dựng một đề án quốc gia với lộ trình bài bản, cụ thể về mặt thời gian, lộ trình, kinh phí.

Theo Thứ trưởng Thường trực, đây là công việc mới, có tác động lớn tới hệ thống giáo dục Việt Nam, nhiều chủ thể tham gia nên thời gian qua, Ban biên soạn đã thực hiện một cách bài bản, chi tiết.

Thứ trưởng Thưởng.jpg

Thứ trưởng Thường trực Phạm Ngọc Thưởng chủ trì hội thảo

“Trong đó, việc đánh giá thực trạng dạy, học tiếng Anh tại các nhà trường hết sức quan trọng, được thực hiện có căn cứ khoa học, có số liệu, đầy đủ thông tin, đảm bảo chất lượng, “không phải gọt chân cho vừa giày”, Thứ trưởng Thường trực nhấn mạnh.

Trong quá trình xây dựng Đề án, Bộ GDĐT cũng tổ chức các hội thảo với các đối tượng khác nhau, lấy ý kiến cơ sở, thực tiễn. “Những kinh nghiệm thực tế qua các đề án đã được triển khai trước đây là những bài học quý báu để triển khai đề án này”, Thứ trưởng Thường trực nhận định.

Chủ trương đúng đắn, cần sớm triển khai

Chia sẻ tại hội thảo, bà Vũ Thị Thanh Loan, Tổng Giám đốc Hệ thống Anh ngữ Ocean Edu cho rằng, việc học tiếng Anh hiện nay không chỉ để giao tiếp mà còn giúp người học phát triển kỹ năng cần thiết, đáp ứng nhu cầu học tập và làm việc.

Khẳng định đây là chủ trương đúng đắn, bà Vũ Thị Thanh Loan cho biết, Hệ thống Anh ngữ Ocean Edu sẵn sàng đồng hành cùng Bộ GDĐT trong việc xây dựng và triển khai đề án hiệu quả.

Loan.jpg

Bà Vũ Thị Thanh Loan, Tổng Giám đốc Hệ thống Anh ngữ Ocean Edu

Hơn 30 năm kinh nghiệm đào tạo tiếng Anh, bà Lê Quang Thục Quỳnh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Quốc tế Anh văn Hội Việt Mỹ nhận định: “Đây là chủ trương mang nhiều hi vọng, khẳng định vai trò mạnh mẽ của ngành Giáo dục, đưa đất nước đến kỷ nguyên mới. Càng nhiều người dân Việt Nam nói tiếng Anh tốt thì cơ hội phát triển đất nước càng lớn”.

Quỳnh.jpg

Bà Lê Quang Thục Quỳnh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Quốc tế Anh văn Hội Việt Mỹ

Đánh giá Đề án được xây dựng bài bản, rõ lộ trình, rõ mục tiêu, bà Quỳnh cũng góp ý với Ban soạn thảo về hướng tiếp cận, chiến lược truyền thông bồi dưỡng giáo viên, khung nội dung, triển khai theo vùng miền, cơ chế, chính sách.

NGND Nguyễn Thị Hiền, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm (Hà Nội) cho rằng, một trong những yếu tố quan trọng giúp học sinh Việt Nam phát triển, trở thành công dân toàn cầu là ngoại ngữ. Theo bà Hiền, để Đề án triển khai thành công, việc đầu tiên cần phải làm là thay đổi nhận thức của cán bộ quản lý giáo dục và đội ngũ giáo viên về tầm quan trọng và cấp bách của vấn đề này.

Hiền.jpg

NGND Nguyễn Thị Hiền, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm (Hà Nội)

Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Ngôi sao (Hà Nội) Phạm Bích Ngà đề xuất 5 vấn đề trọng điểm cần được quan tâm, chú trọng khi triển khai đề án gồm: chương trình phù hợp với các đối tượng, các vùng miền; đội ngũ giáo viên; công tác kiểm tra, đánh giá; quản lý thực hiện; giải pháp triển khai.

Chính sách tốt mới huy động nguồn lực tốt

Đánh giá cao các ý kiến tại hội thảo, Thứ trưởng Thường trực Phạm Ngọc Thưởng nêu rõ quan điểm của Bộ GDĐT là “không phân biệt công, tư, đề án được xây dựng trên cơ sở phát huy trí tuệ tập thể, toàn dân, toàn diện và chung nhất. Chúng ta phải có chính sách tốt thì mới huy động nguồn lực tốt”.

kết luận.jpg

Thứ trưởng Thường trực Phạm Ngọc Thưởng kết luận hội thảo

Nhấn mạnh vai trò của các trung tâm ngoại ngữ, Thứ trưởng Thường trực cho biết: “Đây vừa là chủ thể, là thành phần tích cực và là cấu phần tham gia, thực hiện đề án. Bộ GDĐT mong rằng các trung tâm sẽ phát huy vai trò, trách nhiệm của mình, đặc biệt là sứ mệnh với cộng đồng, xã hội”.

Thứ trưởng đề nghị Ban soạn thảo tiếp thu các ý kiến tại hội thảo. Trong đó, phải xác định được các giải pháp cụ thể, đặc biệt là giải pháp căn cơ, giải pháp đột phá. Cùng với đó, hoàn thiện các mục tiêu, giải pháp về cơ chế, đội ngũ, truyền thông, tài liệu, học liệu, xây dựng hệ sinh thái, đổi mới kiểm tra, đánh giá, công tác xã hội hoá, tính hệ thống…