1.jpg

Học sinh Trường THCS Nguyễn Đức Cảnh (Thái Thụy) cùng hát tiếng Anh trong buổi lễ phát động phong trào dạy và học tiếng Anh.

“Bắt bệnh” để nâng cao chất lượng

Tiếng Anh là một trong những môn học ở trường phổ thông hiện nay và là môn bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Mục tiêu cơ bản trong việc dạy và học tiếng Anh ở các cơ sở giáo dục là giúp học sinh hình thành, phát triển các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết tiếng Anh từ đó vận dụng vào quá trình giao tiếp, học tập.

Bà Trần Thị Bích Vân, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Những năm gần đây, nhận thức của học sinh và phụ huynh về tầm quan trọng của ngoại ngữ nói chung và tiếng Anh nói riêng đã thay đổi rất nhiều. Hầu hết các lớp đang thực hiện chương trình GDPT 2018 đều được trang bị ti vi kết nối mạng internet phục vụ hiệu quả cho việc dạy và học tiếng Anh. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, việc dạy và học tiếng Anh trong các trường phổ thông vẫn còn bộc lộ nhiều khó khăn, bất cập nhất định. Một trong những bất cập lớn nhất hiện nay là ở hầu hết các trường là việc dạy và học tiếng Anh chỉ tập trung chủ yếu trong hai kỹ năng đọc và viết, chưa rèn cho học sinh kỹ năng nghe, nói, giao tiếp thực tế. Nguyên nhân là do việc đầu tư thiết bị dạy nghe, nói còn hạn chế; đội ngũ giáo viên chưa đáp ứng được việc tổ chức thi kỹ năng nghe, nói cho học sinh. Năng lực sử dụng tiếng Anh của các em ở khu vực thành phố, thị trấn có phần nổi trội hơn so với các em ở khu vực nông thôn, tuy nhiên, các em vẫn còn nhiều hạn chế trong giao tiếp bằng tiếng Anh.

Tại Trường THCS Nguyễn Đức Cảnh (Thái Thụy), những năm gần đây, chất lượng dạy và học tiếng Anh đã cải thiện rõ rệt song vẫn còn nhiều hạn chế. 

Cô giáo Trịnh Thị Thu Hiền, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Chúng tôi rất quan tâm đến việc xây dựng môi trường dạy và học tiếng Anh, nhất là khi bắt đầu triển khai thực hiện chương trình GDPT 2018. Hầu hết các phòng học của Trường đều có các thiết bị nghe nhìn để phục vụ việc dạy và học môn học này và nhiều môn học khác. Qua mỗi dịp nhà trường tổ chức chương trình ngoại khóa về sử dụng tiếng Anh, chúng tôi nhận thấy số lượng các em tham gia nhiều hơn, kỹ năng nghe, nói tiếng Anh của các em tốt hơn. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều em ngại học môn tiếng Anh hoặc các em có kỹ năng rất tốt về ngữ pháp và từ vựng để làm bài kiểm tra trên giấy nhưng chưa có kỹ năng sử dụng tiếng Anh để giao tiếp hàng ngày. Một trong những nguyên nhân nữa đó là các em ít có cơ hội để sử dụng ngôn ngữ trong quá trình giao tiếp; các em học ngữ pháp nhưng chỉ biết vận dụng làm bài tập, còn khi vận dụng vào tình huống thì nhiều em vẫn còn loay hoay hoặc áp dụng một cách máy móc, thiếu tự tin khi giao tiếp bằng tiếng Anh.

Yếu tố then chốt

Theo bà Trần Thị Bích Vân, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, một trong những giải pháp quyết liệt, được coi là yếu tố then chốt để nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh trên địa bàn đó là xây dựng đội ngũ giáo viên đủ về số lượng và bảo đảm về chất lượng. Đáng chú ý đó là chú trọng công tác bồi dưỡng đội ngũ giáo viên đạt chuẩn năng lực ngoại ngữ theo quy định, đặc biệt bồi dưỡng 2 kỹ năng nghe và nói theo chuẩn quốc tế. Trong giai đoạn hội nhập, ngành giáo dục khuyến khích các nhà trường ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, các thiết bị dạy học hiện đại để nâng cao chất lượng dạy học. Ngoài việc đổi mới phương pháp dạy học, các trường cần xây dựng môi trường dạy và học tiếng Anh để các em có cơ hội giao tiếp bằng ngôn ngữ thứ 2. Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ chỉ đạo các cơ sở giáo dục tăng cường dạy kỹ năng nghe, nói cho học sinh, tiến tới thực hiện kiểm tra, đánh giá chuẩn đầu ra của các cấp học đủ 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết.

Thầy giáo Nguyễn Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Thái Bình chia sẻ: Là trường học đặc thù đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nhà trường đã tham mưu Sở Giáo dục và Đào tạo về sự cần thiết tổ chức thêm kỹ năng nói của bài thi môn chuyên tiếng Anh trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT chuyên những năm tới. Điều này sẽ giúp nhà trường tuyển chọn được những học sinh thật sự có năng lực về cả 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết để nâng cao kỹ năng giao tiếp trong giai đoạn hội nhập.

Cùng với các giải pháp then chốt của ngành giáo dục, các trường cũng đang tích cực xây dựng môi trường dạy và học tiếng Anh cho học sinh thông qua các hoạt động như câu lạc bộ tiếng Anh, trang trí cảnh quan không gian phòng học ngoại ngữ, góc học ngoại ngữ, giao lưu tiếng Anh giữa các trường, tổ chức ngày hội tiếng Anh cho học sinh và giao lưu giữa các câu lạc bộ cùng trường hoặc các trường trong và ngoài địa bàn. 

Cô giáo Trịnh Thị Thu Hiền, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Đức Cảnh (Thái Thụy) cho biết thêm: Nhà trường phối hợp với các trung tâm ngoại ngữ tổ chức các chương trình giao lưu với giáo viên nước ngoài nhằm tăng cơ hội giao tiếp bằng tiếng Anh cho học sinh. Bên cạnh đó, chúng tôi tổ chức các cuộc thi thuyết trình, giới thiệu sách bằng tiếng Anh, đặc biệt thường xuyên tổ chức hoạt động thiết kế cuộc thi thiết kế video bằng tiếng Anh thu hút hàng nghìn lượt xem và chia sẻ. Chúng tôi nhận thấy các hoạt động trên đã giúp học sinh được thể hiện, phát huy khả năng nghe, nói tiếng Anh, học hỏi, chia sẻ phương pháp học và từng bước trau dồi kỹ năng, trình độ.

Nỗ lực nâng cao chất lượng dạy và học môn tiếng Anh trong các cơ sở giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu UBND tỉnh đưa môn tiếng Anh trở thành môn thi bắt buộc trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT. Điều đó giúp phụ huynh và học sinh chú trọng hơn đến môn học này. Tiến tới Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ xây dựng và tham mưu UBND tỉnh quy đổi số điểm của các chứng chỉ quốc tế để đáp ứng bài thi tiếng Anh trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT. Một trong những giải pháp cũng rất quan trọng được ngành giáo dục đưa ra đó là tăng cường phối hợp với các trung tâm ngoại ngữ để tổ chức các buổi giao lưu, cuộc thi để xây dựng môi trường cho học sinh thể hiện kỹ năng giao tiếp, từ đó nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho các em và xa hơn nữa đó là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để hội nhập quốc tế.  

2.jpg

Học sinh Trường THCS Nguyễn Đức Cảnh (Thái Thụy) hào hứng tham gia giao lưu bằng tiếng Anh.