Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Yên Thuận thuộc xã Yên Thuận, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang. Trường có gần 600 học sinh (với hơn 100 học sinh bán trú), trong đó 90% là con em người dân tộc Dao, Tày, Mông và đều có hoàn cảnh đặc biệt. Cô giáo Hoàng Thị Thu Hoài (sinh năm 1993) là giáo viên tiếng Anh duy nhất của trường.
Vượt 40km đường đất mang tri thức cho trẻ em dân tộc thiểu số
Cô giáo Hoàng Thị Thu Hoài có mẹ cũng là giáo viên dạy học ở vùng cao trong địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Có lẽ vì vậy, cô Hoài sớm đã yêu mến cái nghề gắn với bảng đen, phấn trắng và muốn mang tri thức đến với các em nhỏ.
Tốt nghiệp trung học phổ thông, nữ sinh năm ấy đã lựa chọn theo học ngành Sư phạm Tiếng Anh của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
Năm 2015, sau khi tốt nghiệp, Hoài trở về quê hương và thi đỗ kỳ thi viên chức giáo viên do Phòng Nội vụ huyện Hàm Yên tổ chức. Cô giáo trẻ xin về Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Yên Thuận (huyện Hàm Yên) và đến nay, đã gắn bó được 9 năm.
Cô giáo Hoài cùng các em học sinh tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Yên Thuận. Ảnh: NVCC
Trao đổi cùng phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Hoài chia sẻ: “Yên Thuận là xã đặc biệt khó khăn của huyện Hàm Yên, song, tôi tình nguyện đến dạy tại những điểm trường khó khăn nhất, với mong muốn được trải nghiệm và cống hiến, đem chữ lên bản cho các em”.
Đường từ nơi ở đến trường là khoảng 40km, nhưng hồi mới về bản, cô Hoài phải di chuyển mất 3-4 tiếng mới đến nơi. Đường đất trơn trượt, ngay sát vực thẳm, khiến cô giáo trẻ đã không đếm được biết bao nhiêu lần phải xuống dắt xe, lội bùn, vượt đá, leo dốc.
“Vài năm trở lại đây, nhờ chính quyền hỗ trợ, nên khu vực này đã có đường bê tông, nhưng mùa mưa vẫn có sạt lở, mưa lũ, nước suối dâng cao gây lụt lội, đầy khó khăn, hiểm trở” - nữ giáo viên kể.
Dù vậy, cô giáo Hoàng Thị Thu Hoài vẫn cảm nhận, những khó khăn của cô vẫn chưa thấm vào đâu so với các em học sinh, vì các em còn phải đi bộ nhiều cây số để đến trường. Cô Hoài tâm sự, chỉ cần thấy các em tới trường mỗi sáng, đó chính là động lực lớn nhất để các thầy cô vượt gian nan.
Cả Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Yên Thuận chỉ có duy nhất 1 giáo viên tiếng Anh, nên cô Hoài phải đảm nhiệm 16 lớp tại nhiều điểm trường.
Đa số các em học sinh đều là người dân tộc thiểu số, hầu như chỉ biết nói tiếng mẹ đẻ còn tiếng phổ thông chưa nói sõi, khiến việc giảng dạy khó khăn hơn với cô giáo trẻ. Đặc biệt, do các em còn nhút nhát, nên có những khi cứ mãi trốn ngoài sân, không chịu vào lớp. Vì thế, cô Hoài vừa dạy học, vừa tổ chức một số trò chơi để các em làm quen với ngoại ngữ một cách gần gũi nhất.
Bên cạnh đó, nhiều học sinh ở vùng cao đến từ các gia đình có điều kiện kinh tế khó khăn, khiến việc đóng góp mua sắm dụng cụ học tập trở nên hạn chế. Điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn, các em phải ngồi trong lớp học chật chội, khi mùa đông đến, thường không đủ ánh sáng.
Cô Hoài tâm sự: “Cứ mỗi mùa tựu trường, thầy cô phải gọi điện vận động các em đến trường, có những em hoàn cảnh đặc biệt thì thầy cô sẽ đến tận nhà. Đối với những em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, nhà trường phát động chương trình “Một việc tốt” để giúp đỡ những học sinh đủ điều kiện đến trường. Thầy cô sẽ đóng góp tiền mặt, quần áo, sách vở, bút thước, và cả gạo… cho các em”.
Đoạn đường đến trường của các thầy cô xã Yên Thuận khi trời mưa bão. Ảnh: NVCC
Để giúp đỡ thêm cho học trò, cô Hoài thường xuyên chia sẻ hình ảnh, clip về cuộc sống vùng cao lên các trang mạng xã hội. Nhiều nhà hảo tâm nhờ những clip này, đã tìm đến tận nơi, để hỗ trợ nhà trường.
Năm học 2023-2024 vừa qua, nhóm thiện nguyện tại Hà Nội thông qua kết nối của cô giáo Hoài đã trao tặng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn 4 xe đạp, 200 chăn ấm, giày, tất, sữa tươi, mì tôm, xây 1 nhà từ thiện cho học sinh tại thôn Cao Đường (xã Yên Thuận, huyện Hàm Yên) trị giá 120 triệu đồng, tặng 4 ti vi cho các lớp học và 10 triệu đồng sửa chữa lớp học tại điểm trường Cao Đường.
Trích lương, chăm lo học sinh từng bữa ăn, giấc ngủ, vừa làm cô giáo vừa làm “mẹ hiền”
Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Yên Thuận tận dụng các phòng, lớp học cũ để bố trí nơi sinh hoạt, bếp nấu ăn. Các thầy cô không chỉ dạy học mà còn đảm nhiệm cả việc nấu nướng cho học sinh.
Cô Hoài chia sẻ: “Những hôm học cả ngày, học sinh sẽ ở lại lớp vào buổi trưa, chúng tôi cùng nấu những món ăn đơn giản như rau cải, thịt băm cho các em. Sau giờ tan học, cô trò lại cùng nhau chia sẻ những bữa cơm, tuy thiếu thốn nhưng tràn ngập niềm vui.
Có những buổi mải học, không kịp nấu cơm, cô và trò sẽ cùng nhau ăn mì tôm. Thỉnh thoảng, tôi sẽ trích một phần lương ra để mua thêm đồ ăn như tôm, cá hộp hay xúc xích để cải thiện bữa ăn cho các em”.
Cô Hoài cùng các cô giáo chiên tôm cho vào mì làm bữa ăn cho học sinh. Ảnh: NVCC.
Cô giáo trẻ nhớ về kỉ niệm lần đầu tiên, khi bữa trưa có món đùi gà rán: “Cả lớp đợi bằng được đến 12 giờ trưa để cùng thưởng thức, không em nào nỡ về. Các em háo hức, quay ra hỏi nhau xem món này ăn thế nào, chọn tương cà hay tương ớt?”.
Với những học sinh có hoàn cảnh khó khăn hơn, mồ côi bố mẹ, sống với ông hoặc bà, cô Hoài cũng dành nhiều sự quan tâm hơn bởi lẽ "bữa trưa mang đi học của các em thường là cơm trắng chan với nước suối. Bữa nào thịnh soạn lắm thì các em có thêm một ít cá khô do chính ông bà bắt dưới suối lên và tự làm. Thương lắm! Nên tôi thường trích một khoản tiền để mua bánh, sữa, bồi dưỡng cho các em”.
Học sinh háo hức mỗi khi được cô Hoài phát quà. Ảnh: NVCC.
Trẻ em vùng cao thường chỉ có vài manh áo, mặc đi mặc lại nên lúc nào cũng lấm lem. Những hoàn cảnh ấy của học sinh khiến cô Hoài rất thương và xúc động.
“Có em học sinh mùa hè nhưng lại mặc áo khoác mùa đông, hỏi ra mới biết vì áo sơ mi trắng của em đã rách tả tơi, thậm chí bị rơi mất cả cúc, nên phải mặc áo khoác để che đi. Vậy nên, những khi được các cô chú dưới xuôi đến trao quà từ thiện, tặng áo đẹp, các em đều rất thích” - cô Hoài kể
Ngoài công việc ở trường, cô Hoài cũng tham gia các hoạt động thiện nguyện do địa phương tổ chức.
Mới đây, cô Hoài góp sức xây nhà cho 2 em học sinh, 1 em bị mẹ bỏ rơi và 1 em mồ côi cha. Cô giáo và các nhà hảo tâm cũng đã mua sắm thêm cho gia đình đầy đủ giường, tủ, tivi.
Trong đó, cô Hoài nhớ nhất về trường hợp của em Sình, bị mẹ bỏ rơi khi còn nhỏ, sống cùng với bà. Nhưng bà đã già yếu, sau khi mới xây nhà được một tháng, thì bà mất. Trước khi qua đời, bà cũng gửi gắm cháu mình cho các thầy cô giáo... Cô Hoài rất xúc động vì đã khiến bà an tâm như vậy.
Niềm vui trong mắt trẻ thơ khi được cô giáo và nhà hảo tâm trao mì tôm, quần áo mới. Ảnh: NVCC.
Cô Hoài tâm sự: “Chưa khi nào tôi cảm thấy khó nhọc, vì ước mơ từ lâu là có thể giúp đỡ nhiều học sinh biết chữ và có điều kiện học hành tốt hơn, nên mỗi ngày đến trường với mình là một ngày vui”.
Niềm hạnh phúc với cô giáo trẻ là vào những dịp 20/11, tổng kết năm học, được nhận những món quà như thiệp, tranh do học sinh vẽ.
Chia sẻ về những dự định tương lai, cô giáo Hoài chỉ có một mong muốn là những đứa trẻ ở xã Yên Thuận sẽ có điều kiện học tập tốt hơn. Khi đó, cô Hoài sẽ tình nguyện đi tới một xã khó khăn hơn để tiếp tục giúp đỡ các em nhỏ.
Cô Hoàng Thị Thu Hoài cũng hy vọng, sẽ có thêm nhiều thầy cô xung phong bám bản, lên vùng cao với các em. “Mong rằng, sẽ có ngày càng nhiều các thầy cô giáo trẻ sẽ mạnh dạn đăng ký lên vùng cao làm việc. Các thầy cô sẽ thấy nghề giáo thật ý nghĩa. Dạy học ở vùng cao sẽ là trải nghiệm thực sự đáng quý!” - cô Hoài bày tỏ.