Bản Mù, là một trong những xã đặc biệt khó khăn của huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái với trên 90% dân số là đồng bào người Mông. Đúng với cái tên “Bản Mù”, 2/3 thời gian trong năm, các em học sinh phải vén sương mù để tới trường; thời gian còn lại là sự hoành hành của những cơn gió lào gay gắt, thổi cái nóng phía tây như muốn hong khô ý chí ham học của đám trẻ con nơi đây.
Từ trung tâm Thị xã Nghĩa Lộ muốn tới được Bản Mù, phải băng qua quãng đường 45km với đặc trưng là những con dốc khúc khuỷu, đoạn đèo quanh co giữa núi rừng mờ sương, vào mùa đông tầm nhìn giảm xuống cỡ chỉ còn vài mét. Trên cung đường chứng kiến hành trình cô giáo Nguyễn Hải Quyên mang tiếng Anh đến bản vùng cao ngày đêm lẩn khuất trong sương mù.
Cô giáo Nguyễn Hải Quyên - Trường TH&THCS Võ Thị Sáu, Thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái
Chân ướt chân ráo làm quen với giáo dục vùng cao từ năm 2022, tới năm học 2023-2024, cô giáo Nguyễn Hải Quyên – Trường TH&THCS Võ Thị Sáu, Thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái quyết tâm xung phong đi biệt phái tại Bản Mù- một trong những điểm trường khó khăn nhất của tỉnh Yên Bái. Bạn bè, gia đình và đồng nghiệp xung quanh đều rất quan ngại về thể trạng sức khỏe và ra sức khuyên can với quyết định này.
“Khi biết tôi nhận quyết định cử đi biệt phái ở Bản Mù, bố mẹ tôi lo lắm, mới từ xuôi về, tay lái yếu, lại hay đau đầu, mà đã dám nhận nhiệm vụ ở một điểm trường xa xôi như thế. Các anh chị đồng nghiệp cũng khuyên nên lùi lại ít năm rồi đi để mình chuẩn bị tốt hơn.”
Tuy nhiên, để lại sau lưng những nỗi bất an, cô giáo Hải Quyên vẫn quyết tâm nhận lên đường hoàn thành nhiệm vụ. “Với tôi việc biệt phái không phải lý tưởng gì lớn lao cả, đơn giản là khi học sinh cần thì bản thân luôn sẵn sàng nhận nhiệm vụ.
”Tôi nghĩ rằng mình còn trẻ, còn có sức lực, nhiều thầy cô lớn tuổi vẫn làm được cơ mà, nên tôi cố gắng tiên phong chọn việc khó để làm trước. Làm những việc khó khăn cũng rất thú vị, bởi khi đã vượt qua điều khó khăn nhất, thì những điều còn lại không còn làm mình chùn bước được nữa”, cô giáo Hải Quyên vui vẻ chia sẻ.
Trong suốt học kỳ 1 của năm học biệt phái, cô giáo Nguyễn Hải Quyên hàng ngày kiên trì đi quãng đường tròn 90km từ Thị xã Nghĩa Lộ lên Bản Mù dạy học, rồi lại từ điểm trường trở về nhà.
Bất chấp nỗi sợ, bất chấp giới hạn về sức khoẻ, cô giáo vẫn miệt mài đi thắp lên sự ham thích đặc biệt của các con học sinh người Mông tại Trường PTDT Bán trú Tiểu học Bản Mù với môn tiếng Anh.
Nhớ lại khoảng thời gian ban đầu, cô giáo chỉ cười và coi đó như những trải nghiệm hết sức thú vị.
Nhưng đằng sau nụ cười đó là không biết bao nhiêu lần bị ngã xe trên cung đường trơn trượt; bao nhiêu lần cận kề với nguy hiểm khi xe vừa đi qua đất đá đã sạt lở ngay sau đó, cuốn phăng cả đường đi; những ngày trời mưa bão, sấm sét giăng đầy trời, vừa đi vừa khóc…. là những ngày cô giáo Quyên trở về nhà mệt nhoài và không thể di chuyển thân mình.
Những lần cảm thấy stress vì ốm triền miên do đi xa liên tục dưới thời tiết khắc nghiệt, cô lại nghĩ tới hình ảnh học sinh thân thương hào hứng nói tiếng Anh cô lại động lực để vững bước hoàn thành công việc của mình.
“Tôi sợ chứ, bao nhiêu nỗi sợ nào là sấm sét, bóng tối, rắn rết, mưa bão, sạt lở đất.., trong nửa năm học đầu tiên đi biệt phái tôi đều trải qua. Nhưng những lúc ấy thì chỉ biết hướng về phía trước mà đi thôi, còn học sinh, còn trường lớp ở đó, một phút mình dừng lại là mất nhiều phút quý giá của các em. So với những vất vả mà rất nhiều thầy cô khác đã cống hiến lâu năm ở vùng cao, thì tôi thấy mình vẫn còn may mắn lắm.”
Chứng kiến sự kiên trì và vất vả của cô giáo Nguyễn Hải Quyên, Ban giám hiệu Trường PTDT bán trú Bản Mù đã sắp xếp chỗ nghỉ và động viên cô giáo ở lại cùng tập thể giáo viên, yên tâm công tác mà không cần đi đi về về như vậy nữa.
Theo cô giáo Nguyễn Hải Quyên, môn tiếng Anh với các em học sinh ở điểm trường Bản Mù là một môn học mới lạ. Ngày đầu nhìn thầy cô lên các em còn rụt rè lắm, cứ nép nép sau cửa lớp nhìn cô thôi. Dù là một môn xa lạ, nhưng chính vì vậy lại trở thành lợi thế cho học sinh người Mông vì các em vốn rất tò mò và thích khám phá điều mới lạ. Những ngày đầu, việc dạy tiếng Anh cho học sinh tiểu học rất khó khăn khi các em nói tiếng phổ thông còn chưa sõi.
Trong quá trình giảng dạy cô giáo Nguyễn Hải Quyên đã có những thay đổi phù hợp với thực tế của học sinh nơi rẻo cao.
“Dạo qua quyển sách giáo khoa tiếng Anh, có những sự vật hay hình ảnh mà các con còn chưa biết là thứ gì. Những vật dụng ở miền xuôi thấy bình thường nhưng ở trên đó lại vô cùng lạ lẫm.”
Để điều chỉnh, cô giáo Quyên đã mày mò, tìm hiểu tên tiếng Anh của những trò chơi dân gian, vật dụng của dân tộc Mông, có những từ đặc trưng cô sẽ giữ nguyên để các em học và ứng dụng.
Bên cạnh đó, cô Quyên sưu tầm những tranh, ảnh phù hợp, xây dựng kế hoạch cho từng tiết học cụ thể, cô khích học sinh học tiếng Anh theo nhóm và cho học sinh biểu diễn, đóng vai theo chủ đề của tiết học. Chẳng hạn, khi học chủ đề về gia đình thì sẽ cho học sinh vẽ tranh, kể chuyện về gia đình,… giúp các con tiếp nhận kiến thức một cách nhẹ nhàng, gần gũi.
“Dạy các em Tiểu học, tôi thường vẽ minh hoạ và nhận thấy các em rất thích thú. Thấy cô cầm phấn vẽ là các em học sinh ở dưới bắt đầu cười tủm tỉm, rồi vẽ tranh theo cô. Có những buổi học đến khi ra về là những trang vở các em cũng đầy những hình vẽ và chú giải bằng tiếng Anh. Tôi thấy rằng cách làm này giúp các em hào hứng với môn tiếng Anh hơn”, cô giáo Nguyễn Hải Quyên mỉm cười chia sẻ.
Sau mỗi tiết học của cô Quyên vở của các em học sinh sẽ ngập tràn hình vẽ minh hoạ
Với cô giáo Nguyễn Hải Quyên, việc gần gũi của giáo viên với học sinh là yếu tố quan trọng. Sau quãng thời gian thăm dò, các em học sinh đã quen rồi cứ gặp cô ở ngoài là chào bằng tiếng Anh. Giờ ra chơi cũng bò lăn bò xoài ra giữa lớp để học tiếng Anh.
Ở vai trò giáo viên, cô giáo Nguyễn Hải Quyên cố gắng không làm khó các em học sinh, mỗi ngày các em học được một từ cũng rất vui và động viên. Học là đi đôi với hành, sau mỗi buổi học cô giáo đều hướng dẫn học sinh vận dụng từ mới mình đã học được về nhà thực hành ngay, rồi trong giao tiếp với bạn bè cũng cùng nhau nói chuyện bằng tiếng Anh.
Cô còn giao bài tập ở những tiết thực hành, các em học sinh tự đặt ra nội dung giao tiếp và thực hành giao tiếp với nhau để làm môi trường tiếng Anh thêm gần gũi, gắn bó với học sinh người Mông.
Còn nhớ cuối năm học vừa qua, các thầy cô giáo viên trên địa bàn huyện Trạm Tấu, Thị xã Nghĩa Lộ bất ngờ trước những video nói tiếng Anh rất “mượt” của học sinh người Mông mà cô Quyên dạy.
“Rất bất ngờ, có những gia đình trên 10 người nhưng các em rất thích thú và say sưa vẽ tranh, kể chuyện, miêu tả từng người bằng tiếng Anh. Chính điều đó, mỗi một tiết học tiếng Anh luôn rộn ràng tiếng cười giúp cô trò hiểu nhau hơn”, cô Quyên chia sẻ.
Sùng Thị Hoa là học sinh lớp 4 của Trường PTDTBT xã Bản Mù, em là một trong những học sinh giỏi tiếng Anh nhất của trường. Hoa nhớ về cô giáo Quyên, như một người bạn, người chị giúp em tự tin trong học tập. Có một khoảng thời gian Hoa có chuyện buồn, ít giao tiếp với bạn bè. Chính cô Quyên đã nhận ra và tâm sự giúp em vui vẻ trở lại.
“Cô Quyên thương con nhất! Con cũng rất yêu quý cô Quyên, nên môn tiếng Anh của cô lúc nào con cũng cố gắng đứng nhất lớp.” Sùng Thị Hoa vừa hồn nhiên, vừa tự hào bộc bạch.
Mùa đông, nhiệt độ trên Bản Mù có lúc xuống dưới 0°C, cô Quyên đã đem chiếc đèn xông tinh dầu lên để khi viết bài bị cóng thì sưởi cho ấm tay
Các thầy cô ở điểm Trường PTDT bán trú xã Bản Mù thường hay đùa nhau rằng, học sinh ở đây ưu ái cô Quyên lắm, cứ chỉ mong đến tiết tiếng Anh để được học cô Quyên thôi.
“Mỗi khi cô chuẩn bị rời trường về nhà vào cuối tuần, các em học sinh lại vây quanh cô, hỏi xem cô có quay lại không, sang năm cô nhớ lên dạy bọn con nhé. Có tuần cô Quyên phải đi tập huấn, không thấy cô, đám trẻ cứ buồn thiu, chỉ cần thấy bóng cô đi xe từ xa về trường thôi là đã vui nhảy cẫng lên rồi.” một đồng nghiệp của cô giáo Quyên chia sẻ.
Cô giáo Nguyễn Hải Quyên chia sẻ: ”Tôi muốn làm cho học sinh thích học Tiếng Anh trước khi dạy các em nhiều kiến thức. Vì khi các em thích học, tự các em với sự hướng dẫn của giáo viên cũng có thể khám phá tìm tòi ra kiến thức, thậm chí tự trau dồi thêm rất hiệu quả từ nhiều nguồn khác nhau. Nên mình cố gắng tạo không khí dễ chịu trong lớp học để các con không cảm thấy áp lực. Về nhà các con cũng thường xuyên nhắn tin hỏi bài cô, cả những bạn đã ra trường rồi vẫn hỏi.”
“Nếu đã dám nghĩ, hãy nghĩ tới điều lớn lao” đó là câu nói cô giáo Nguyễn Hải Quyên hay dùng để khích lệ những em học sinh người Mông.
Trước khi nhận nhiệm vụ biệt phái, nhiều người hỏi cô giáo sẽ dạy các em học sinh tiểu học như thế nào? Phải chăng là dạy nề nếp, hay cách ăn nói, cách giao tiếp là chính còn kiến thức về tiếng Anh chỉ là phụ.
Và cô Quyên cũng nhận được nhiều lời khuyên tương tự như vậy. Nhưng sau khi tiếp xúc với các em học sinh người Mông, cô đã thấy không phải như thế. Nếu các em có sự tự tin và thoải mái thì cũng có thể học tiếng Anh rất tốt như bao đứa trẻ miền xuôi khác.
Học sinh bò lăn bò toài học tiếng Anh trong giờ ra chơi
Cô Quyên nhận thấy rằng, tiếng Anh sẽ là một cánh cửa may mắn, mở ra những cơ hội để các em học sinh vùng cao thoát khỏi đời sống lặp đi lặp lại đầy trúc trắc, bấp bênh.
“Nếu học sinh chỉ học kỹ năng, mãi sống ở miền núi và lặp đi lặp lại những công việc làm nương, rẫy, chăn trâu rồi đi làm công nhân thì các con rất thiệt thòi.
Khi học sinh tự tin về kiến thức, tự tin với tiếng Anh thì đây là cơ hội tốt vì mọi công việc cần dùng tới ngôn ngữ này.” Cô giáo Nguyễn Hải Quyên nhận định.
“Nhiều lắm, có rất nhiều học sinh của tôi ở Bản Mù tìm đến và hỏi rằng, “Con xem ti vi, xem điện thoại, con mơ được về thành phố, được ra nước ngoài để biết đây biết đó. Học tiếng Anh xong con nghe hiểu người ta nói gì, có từ còn bập bõm, có câu con hiểu hiểu ý. Những lúc đó con vui sướng lắm, liệu con có được đi ra ngoài kia và dùng tiếng Anh không cô nhỉ?””
“Chia sẻ của các em làm tôi giật mình; và tôi càng thấy được tiếng Anh quan trọng thế nào để mở rộng và phát triển cách nhìn, cách tư duy của các em học sinh người Mông”, cô Quyên nhẹ đưa tay gạt trên khoé mắt.
Cũng chính vì vậy cô giáo Quyên đã tự đặt ra mục tiêu cho bản thân, cũng cần đào sâu về chuyên môn, nâng cao về trình độ, đa dạng phương pháp giảng dạy hơn để có thể luôn ở đó giúp đỡ cho các em học sinh vùng cao.
Cô thường mua thêm sách, tài liệu để mở rộng kiến thức, sắp xếp thời gian để tham gia những khoá học ngắn, dài hạn về Tiếng Anh và Tin học. Khi sử dụng mạng xã hội cũng quan tâm tới các cộng đồng liên quan tới chuyên môn, có thời gian biểu cố định cho việc rèn các kỹ năng tiếng Anh mỗi ngày từ nhiều nguồn khác nhau.
“Đi biệt phái, tôi càng hiểu sâu sắc thêm tình cảm của các em học sinh dành cho giáo viên. Ở những nơi khó khăn của tổ quốc, khi vật chất còn chưa lay động tới mối quan hệ trong sáng giữa thầy và trò, tôi cảm thấy hạnh phúc khi được làm một nhà giáo, được giảng dạy những mầm non của núi rừng quê hương.”