Báo cáo tại Hội thảo, Ông Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non cho biết: Trước nhu cầu của xã hội về việc cho trẻ em mầm non làm quen với ngoại ngữ, ngày 18/3/2014, Bộ GDĐT đã ban hành công văn hướng dẫn tổ chức thí điểm cho trẻ làm quen với ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục mầm non (CSGDMN). Việc triển khai tổ chức thí điểm cho trẻ làm quen với tiếng Anh đã đạt được những kết quả quan trọng.
Quang cảnh Hội thảo
Tính đến năm học 2018-2019, có 58/63 tỉnh, thành phố tổ chức cho trẻ làm quen với tiếng Anh, với tổng số trẻ tham gia là 321.149 trẻ; trong đó, 31.627 trẻ 3-4 tuổi; 71.504 trẻ 4-5 tuổi; 90.018 trẻ 5-6 tuổi. Một số tỉnh, thành phố có đông trẻ làm quen với tiếng Anh như: TP. HCM trên 96,000 trẻ (chiếm 58 % tổng số trẻ đến trường); Hà Nội có gần 30.000 trẻ (chiếm 32%); Đà Nẵng 13.473 trẻ (chiếm 19,2%); Vĩnh Phúc 7.343 trẻ (chiếm 14,2%). Độ tuổi cho trẻ làm quen với tiếng Anh là từ 3-5 tuổi.
Ở hầu hết các địa phương việc tổ chức cho trẻ em mầm non làm quen với tiếng Anh được thực hiện tại các CSGDMN. Dựa trên đăng ký của cha mẹ trẻ, các CSGDMN liên kết với các trung tâm đã được Sở GDĐT thẩm định tài liệu, học liệu phối hợp thực hiện. Nhận thức, nhu cầu của phụ huynh, đặc biệt là tại các thành phố lớn là động lực chính thúc đẩy sự phát triển của các hoạt động này. Có thể thấy trong thời gian qua, công tác cho trẻ mầm non làm quen với tiếng Anh được sự ủng hộ rất lớn từ cha mẹ trẻ.
Chương trình làm quen với tiếng Anh cho trẻ mầm non được xây dựng dựa trên cơ sở: Chương trình Giáo dục Mầm non; các kết quả nghiên cứu về giáo dục học, tâm lý học và phương pháp cho trẻ mẫu giáo làm quen tiếng Anh; các thành tựu nghiên cứu về ngôn ngữ tiếng Anh; phương pháp xây dựng chương trình tiếng Anh của thế giới và kinh nghiệm xây dựng chương trình của Việt Nam; bối cảnh văn hóa xã hội, giáo dục và điều kiện kinh tế thực tế của Việt Nam; sự đa dạng của đối tượng trẻ mẫu giáo về phương diện vùng miền, nhu cầu, điều kiện và khả năng làm quen với tiếng Anh.
Chương trình được xây dựng theo quan điểm giáo dục “lấy trẻ làm trung tâm”. Các hoạt động cho trẻ làm quen với tiếng Anh tạo điều kiện cho trẻ được trải nghiệm, tìm tòi, khám phá môi trường xung quanh dưới nhiều hình thức đa dạng, đáp ứng nhu cầu, hứng thú của trẻ theo phương châm giáo dục “chơi mà học, học bằng chơi”, được lồng ghép tích hợp thông qua các hoạt động giáo dục và giao tiếp trong các ngữ cảnh và hoạt động gần gũi, có ý nghĩa.
Thứ trưởng Ngô Thị Minh phát biểu tại Hội thảo
Tại Hội thảo, các đại biểu cùng chia sẻ kinh nghiệm quản lý, chỉ đạo các cơ sở giáo dục mầm non và trung tâm tiếng Anh tổ chức cho trẻ mẫu giáo làm quen với tiếng Anh đảm bảo chất lượng, đúng quy định; công tác lập kế hoạch cho trẻ làm quen với tiếng Anh của cơ sở GDMN; rà soát nhu cầu của phụ huynh, lập kế hoạch triển khai với hình thức nhà trường tổ chức hoặc liên kết với Trung tâm ngoại ngữ triển khai; công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn đội ngũ, xây dựng môi trường, bố trí phòng lớp học trong triển khai cho trẻ làm quen với tiếng Anh.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Ngô Thị Minh ghi nhận những kết quả đã đạt được của các tỉnh thành trong việc triển khai chương trình làm quen với tiếng Anh cho trẻ mầm non. Thứ trưởng hoan nghênh sự linh hoạt và cố gắng của các địa phương trong thực hiện chương trình với mục tiêu cao nhất là vì lợi ích cho trẻ.
Nhấn mạnh việc thực hiện chương trình làm quen với tiếng Anh cho trẻ mầm non cần đảm bảo chất lượng, Thứ trưởng yêu cầu các địa phương quan tâm sâu đến nguyên tắc này, cần phê duyệt kỹ các chương trình dạy cho trẻ. Bên cạnh đó, tiếp tục chuẩn bị điều kiện cần thiết về cơ sở vật chất, trang thiết bị; tập huấn đầy đủ cho đội ngũ giáo viên, thẩm định kỹ các giáo viên nước ngoài; tích cực số hoá giáo trình, tài liệu...
Với những kết quả triển khai thời gian qua, Thứ trưởng Ngô Thị Minh hy vọng, chương trình làm quen với tiếng Anh cho trẻ mầm non sẽ tiếp tục được triển khai tích cực trên cả nước để trẻ mầm non được tiếp cận với tiếng Anh sớm, tạo tiền đề để sau này học tập tốt hơn; đặc biệt, giúp các em phát triển ngôn ngữ, tự tin và hòa nhập tốt trong môi trường xã hội toàn cầu hóa.