Giáo viên tự học
Cô giáo Lê Thị Tuyết Minh, Tổ trưởng Tổ Lý, Hóa, Sinh trường THPT Nguyễn Huệ cho biết: Kế hoạch dạy học các môn tự nhiên bằng Tiếng Anh được nhà trường triển khai đến nay đã là năm thứ 5. Các môn đầu tiên thực hiện là môn Sinh và môn Hóa, 2 năm gần đây thêm môn Lý và môn Toán.
Các môn học khi được thực hiện giảng dạy bằng Tiếng Anh có sự nỗ lực rất lớn từ các thầy cô, các cô không có chuyên ngành thứ 2 là Tiếng Anh nên đều tự học hết. Các thầy cô học từ đồng nghiệp, thậm chí là học sinh. Những năm trước khi triển khai tiết dạy, các cô giáo Tiếng Anh đi dự cùng, những năm gần đây các cô đã tự tin hơn mà không cần sự hỗ trợ của các thầy cô ngoại ngữ.
Để có 1 tiết dạy thành công, đòi hỏi sự nỗ lực, tự học tập của các thầy cô.
“Khi dạy học bằng Tiếng Anh đối với các môn tự nhiên học sinh rất phấn khởi, tự tin với những bài tập cô giáo giao khi các cô vận dụng cả các trò chơi. Số tiết học bằng Tiếng Anh ở các môn tự nhiên, mỗi kỳ các cô dạy từ 2 -3 tiết bởi tiết học bằng Tiếng Anh các cô sẽ mất nhiều thời gian hơn so với dạy bằng Tiếng Việt.
Những năm đầu, mỗi 1 kỳ dạy được 1 tiết, có khi cả năm mới dạy được 1 tiết bởi vì các cô chưa tự tin. Mục đích dạy các môn tự nhiên bằng Tiếng Anh giúp các em học sinh tiếp cận được nhiều kiến thức, giúp các em có thêm vốn ngoại ngữ để vận dụng được nhiều môn khác bằng vốn từ Tiếng Anh của mình, đến nay các cô giáo cũng đã tự tin hơn”, cô Lê Thị Tuyết Minh nói.
Cũng theo cô Lê Thị Tuyết Minh, thời gian tới, nhà trường cũng sẽ tổ chức dạy các môn xã hội bằng Tiếng Anh để tiếp cận được với kế hoạch của Bộ GD&ĐT đưa ra là đưa Tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 2 trong trường học. Đây cũng là tiêu chí thiết thực để các thầy, các cô phải phấn đấu.
Cô giáo Bùi Thị Hoa, giáo viên môn Sinh của trường THPT Nguyễn Huệ thông tin: Yên Bái là 1 tỉnh miền núi. Tiếng Anh vốn đã không dễ với giáo viên và học sinh. Với Tiếng Anh giao tiếp thông thường thì học sinh được học và có sử dụng thì có thể quen. Nhưng các môn khoa học có đặc thù riêng và chuyên sâu, khi dạy và học bằng Tiếng Anh, lại là Tiếng Anh chuyên ngành thì cả cô và trò đều khó khăn với hệ thống từ mới chuyên môn sâu. Cho nên ngoài kiến thức chuyên môn, phải học tập và sử dụng hệ thống từ mới, ít thông dụng, vấn đề này là khó khăn.
Học sinh cảm thấy mới mẻ, hứng khởi.
“Khi nhà trường triển khai, để dạy được tiết học Tiếng Anh giáo viên phải chuẩn bị rất nhiều nội dung, từ việc soạn giảng rồi dịch văn bản từ Tiếng Việt sang Tiếng Anh và ngược lại theo cấu trúc chuẩn.