Sinh hoạt câu lạc bộ Ngoại ngữ tại Trường Lômônôxốp.
Hiệu quả hoạt động còn hạn chế
Khẳng định vai trò của câu lạc bộ Tiếng Anh trong nhà trường, cô Đinh Thị Bích Liên cho rằng, đây là nơi tập hợp những người cùng yêu thích môn Tiếng Anh, tạo điều kiện để các em giao lưu, gặp gỡ, tăng cường khả năng giao tiếp bằng ngoại ngữ này.
Khi tham gia các câu lạc bộ, ngoài mục tiêu rèn luyện bản thân, nâng cao kỹ năng, học sinh còn được định hướng, trải nghiệm các nội dung học tập để phát triển năng khiếu.
Khi các em có cơ hội thể hiện bản thân thì những năng lực, sở trường tiềm ẩn sẽ được đánh thức. Câu lạc bộ chính là nơi nuôi dưỡng, “chắp cánh” cho những ước mơ, đam mê của các em.
Chia sẻ kinh nghiệm triển khai tại Trường THCS-THPT M.V. Lômônôxốp, cô Đinh Thị Bích Liên nhắc đến mô hình câu lạc bộ Lomo Toastmasters Club, nơi giúp học sinh nâng cao kỹ năng sử dụng ngôn ngữ, đặc biệt là kỹ năng thuyết trình, tranh biện bằng tiếng Anh. Kỹ năng này được bắt đầu từ việc đơn giản nhất là hoàn thành tốt một bài thuyết trình trên lớp...
Tuy nhiên, hoạt động của các câu lạc bộ còn có hạn chế. Theo cô Đinh Thị Bích Liên, đó là khó khăn về cơ sở vật chất, chưa có phòng chức năng riêng cho thực hành tiếng,…Học sinh ít có cơ hội giao tiếp với người nước ngoài để phát triển kỹ năng giao tiếp tốt hơn. Nhiều học sinh mong muốn tham gia câu lạc bộ, nhưng điều kiện kinh tế không cho phép.
Cô Đinh Thị Bích Liên và học trò trong giờ dạy học Tiếng Anh.
Để nâng chất hoạt động câu lạc bộ Tiếng Anh
Để nâng cao hiệu quả hoạt động các câu lạc bộ Tiếng Anh trong nhà trường, cô Đinh Thị Bích Liên cho rằng, nhà trường cần tạo điều kiện tối đa về cơ sở vật chất, nguồn kinh phí hoạt động cho các câu lạc bộ.
Đồng thời, xây dựng các chương trình, cuộc thi cho học sinh có giải thưởng cao để khích lệ các em thi đua tham gia; nâng cao năng lực đội ngũ giảng dạy bằng việc tập huấn cùng các chuyên gia quốc tế.
Ngoài ra, cần thực hiện tốt công tác tuyên truyền trên nhiều kênh để phụ huynh và học sinh biết đến các câu lạc bộ nhiều hơn. Giáo viên chủ nhiệm cần nhiệt tình hơn, vào cuộc đúng nghĩa để đưa thông tin đến gần nhất với phụ huynh học sinh.
Bên cạnh duy trì tốt các đội tuyển, các cuộc thi, mỗi năm học nhà trường tổ chức ngày hội của các câu lạc bộ. Đây sẽ là nơi để các câu lạc bộ báo cáo sản phẩm, giao lưu lẫn nhau, tạo không khí thi đua và hào hứng, chuyển tải được thông điệp đến đông đảo học sinh nhà trường.
Cùng nâng cao hiệu quả hoạt động câu lạc bộ, cô Đinh Thị Bích Liên cũng chia sẻ giải pháp cho hoạt động dạy học Tiếng Anh nói chung. Theo đó, giáo viên cần giúp học sinh định hình mục tiêu và định hướng tương lai, tạo động lực cho học sinh phấn đấu.
Đổi mới phương pháp giảng dạy là vô cùng quan trọng. Theo đó, ứng dụng công nghệ thông tin, đa dạng hóa hình thức dạy học để xây dựng bài giảng hấp hẫn, dễ hiểu bằng những hình ảnh, câu chuyện sinh động, dễ nhớ, mang lại hứng thú cho học sinh.
Học sinh cần được thực hành sử dụng các từ vựng, mẫu câu ngay sau khi học. Giáo viên có thể dạy kết hợp song song ngữ pháp, từ mới - hội thoại, giúp học sinh hiểu ngay tình huống và nhớ lâu kiến thức. Đồng thời, giáo viên áp dụng linh hoạt các hoạt động tập thể, hoạt động nhóm để học sinh có thể ứng dụng kiến thức và cải thiện kỹ năng giao tiếp.
Thông thường văn hóa của một quốc gia sẽ được thể hiện thông qua ngôn ngữ. Vì vậy, mỗi ngôn ngữ đều chứa đựng các yếu tố văn hóa. Giáo viên có thể lồng ghép vào bài giảng của mình các sự kiện, lễ hội, trò chơi dân gian, các phong tục tập quán của quốc gia nói ngôn ngữ đó.
Ngoài ra, để đánh giá được chất lượng của việc dạy và học ngoại ngữ, cần phải có minh chứng bằng các kỳ thi chuẩn đầu ra quốc tế.
“Để nâng cao chất lượng giảng dạy thì người giáo viên luôn là yếu tố then chốt. Vì vậy, thầy cô phải luôn tự trau dồi, bồi dưỡng kiến thức và tham gia các lớp đào tạo, huấn luyện, học hỏi lẫn nhau để nâng cao trình độ của bản thân”, cô Đinh Thị Bích Liên chia sẻ. |