Thầy Lê Văn Lợt còn thường xuyên đứng ra kêu gọi, giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Dép mòn mà đôi gót không mòn
Hai năm trở lại đây, thầy giáo Lê Văn Lợt cùng các học trò Trường THCS Lương Nghĩa (ấp 7, xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang) đã có thể đến lớp trên con đường nhỏ trải bê tông đàng hoàng. Trước đó, thầy trò chỉ có thể đi bộ đường đất, những ngày trời mưa ai nấy đều lấm lem bùn.
Thầy Lợt kể: “Hồi chưa có đường, tôi và vợ đi dạy phải xắn ống quần cuốc bộ vài cây số nhưng với người dân miền sông nước chúng tôi thì nhiêu ấy chưa nhằm nhò gì”.
17 năm trước (năm 2006) thầy Lợt tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Cần Thơ (nay là Trường Cao đẳng Cần Thơ) và được phân công về dạy tại Trường THCS Lương Tâm 1 (tên cũ Trường THCS Lương Nghĩa) đến nay.
Công tác ở địa bàn sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Khmer và số ít người Hoa, buổi đầu chuyển công tác về ngôi trường ngụ tại ấp 7, xã Lương Nghĩa của thầy Lợt diễn ra không mấy suôn sẻ. Thời gian sinh hoạt cùng với các giáo viên trẻ khác ở khu tập thể nhà trường, nhiều thầy không có chỗ ngủ phải nghỉ trên văn phòng thường xuyên.
Vốn là giáo viên dạy môn tiếng Anh, thầy giáo mới không khỏi bối rối trước cách phát âm của trẻ em dân tộc thiểu số. Thầy tâm sự: “Mới đầu nghe các em đọc, tôi không thể hình dung ra học trò mình đang nói gì, nhưng cũng rất thông cảm vì các em đến lớp 6 mới tiếp cận với ngoại ngữ nên bỡ ngỡ là điều dễ hiểu”.
Thầy giáo Lê Văn Lợt cùng các học trò Trường THCS Lương Nghĩa. Ảnh NVCC.
Với tinh thần không để học trò bị tụt lại và để thay đổi tình trạng đó, thầy đã dành thời gian ngoài giờ tâm sự tìm hiểu hoàn cảnh, suy nghĩ của các em để đổi mới phương pháp dạy học. Nắm được nguyên nhân đến từ việc học sinh chưa nhận thức được ý nghĩa việc học ngoại ngữ, thầy bắt tay vào xây dựng giáo án mới.
Các buổi học sau đó trên lớp thầy Lợt không khi nào vắng tiếng cười với những trò chơi do thầy tự xây dựng, khi lại là những bài hát tiếng Anh minh họa cho bài học.
“Tôi tin là những hoạt động ấy sau thời gian dài đã nuôi dưỡng được đam mê học ngoại ngữ của những học trò nhỏ”, thầy chia sẻ và cho biết thêm hiện nay rất nhiều học sinh khi ấy được thầy dạy dỗ đang theo học Cao đẳng, Đại học ngành Ngôn ngữ Anh.
Tạo hứng thú cho buổi học đã khó, vận động được học sinh đi học lại càng vất vả hơn. Những ngày đầu về công tác, đường xá chưa được xây dựng, thầy từng phải đi bộ từ khu tập thể của trường đến từng nhà để thuyết phục học trò đi học trở lại, công việc ấy đến nay đã thành quen nhưng dường như trên gương mặt người thầy không mấy vui vẻ.
“Khi tôi vận động thì có em tiếp tục đến trường, nhưng cũng có em vì hoàn cảnh gia đình mà phải bỏ học hẳn đi làm từ sớm phụ gia đình, như vậy cứ tạo thành vòng luẩn quẩn chẳng biết bao giờ quê hương mới thoát nghèo”, thầy tâm sự.
Để trò được đến lớp
Những năm gần đây, tuy đã được sự quan tâm của Nhà nước dành cho cơ sở vật chất nhưng nhìn chung cuộc sống người dân xã Lương Nghĩa còn rất khó khăn, nhiều học trò không có xe đạp đến trường, lại có những em đi học bằng xuồng, ghe máy.
“Cá nhân tôi cũng như các thầy giáo khác đã cố gắng trong khả năng để huy động vốn giúp các em yên tâm đến trường học tập”, thầy chia sẻ và cho hay nỗ lực đó nhằm đề phòng những trường hợp như trong quá khứ từng xảy ra.
14 năm trước, khi còn là giáo viên chủ nhiệm chủ nhiệm lớp 8, thầy nhớ mãi cô học sinh tên Danh Thị Ngọc Trinh, người dân tộc Khmer thường xuyên đến lớp với vẻ mặt buồn rầu, biết có điều bất thường, sau giờ dạy, thầy đã gọi em lên thư viện hỏi han.
Qua tâm sự với thầy, Trinh mới thổ lộ bị gia đình bắt bỏ học về nhà để kết hôn khiến thầy giáo vô cùng sửng sốt và bàng hoàng. Thầy nhớ lại: “Khi biết tin, tôi rất lo lắng, trong đầu tôi lúc đó chỉ có suy nghĩ làm sao giúp học trò nhỏ được tiếp tục đến lớp nên quyết định tới nhà em thuyết phục cha mẹ”.
Qua tiếp xúc và tâm sự với gia đình Trinh, thầy biết được nguyên nhân do hoàn cảnh gia đình khó khăn mà gia đình phải bắt Trinh đi lấy chồng để có tiền trang trải cuộc sống.
Thầy Lợt còn đảm nhận vai trò Tổng phụ trách Đội. Ảnh NVCC.
Nhận thấy mức độ nghiêm trọng, thầy đã phối hợp cùng các đồng nghiệp giải thích cho cha mẹ Trinh rằng quyết định của gia đình đang đi ngược với pháp luật, đồng thời cho gia đình biết kết quả học tập tiến bộ của Trinh, về viễn cảnh nếu một cô bé 14 tuổi phải gánh vác gia đình.
Được sự khuyên nhủ của thầy giáo, gia đình cuối cùng đồng ý cho em tiếp tục đi học. Để đề phòng sự việc tái diễn, thầy Lợt đã liên hệ với Đoàn Thanh niên và Hội Phụ nữ xã hỗ trợ gia đình Trinh về con giống cũng như cây trồng giúp gia đình có thêm thu nhập.
“Được thấy học trò của mình tiếp tục được đến trường. Tôi và đồng nghiệp nhận ra đã làm một việc thật ý nghĩa giúp thay đổi tư tưởng, nhận thức của một số đồng bào dân tộc, góp phần nhỏ bé của mình vào sự nghiệp trồng người”, thầy chia sẻ đầy xúc động.
Nhìn vào chặng đường giáo dục của thầy Lê Văn Lợt, thầy Trần Quang Kha, Chủ tịch Công đoàn Trường THCS Lương Nghĩa cho hay: “Công việc là nguồn năng lượng chính của thầy Lợt, nhờ nhiệt tình và gần gũi với đồng nghiệp, học trò nên thầy rất được học sinh yêu quý, lại tham gia tốt trong các phong trào mũi nhọn của nhà trường”.
Thầy giáo Lê Văn Lợt là một trong 60 tấm gương nhà giáo được tuyên dương trong Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2024, do Trung ương Hội liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Bộ GD&ĐT và Tập đoàn Thiên Long phối hợp tổ chức.. |