Sửa.jpg

Phiên họp lần thứ hai Ban chỉ đạo giảng dạy tiếng Pháp diễn ra theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến

Thành viên Ban chỉ đạo và đại diện đối tác Pháp ngữ cùng dự trực tiếp tại đầu cầu Bộ GD&ĐT và qua hình thức trực tuyến. 

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ thay mặt Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cảm ơn phái đoàn đã dự họp trong bối cảnh dịch phức tạp tại Hà Nội, điều đó thể hiện trách nhiệm cao và cũng trao đổi được nhiều hơn các vấn đề hai bên quan tâm.

Nỗ lực và khó khăn cần tháo gỡ

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết, tiếp nối thành công của Hiệp định cấp Chính phủ về việc củng cố Đề án phát triển tiếng Pháp khu vực Đông Nam Á, Bộ GD&ĐT đã và đang phối hợp chặt chẽ cùng các đối tác duy trì và củng cố việc giảng dạy tiếng Pháp tại Việt Nam với hiệu quả tối ưu. Ngành giáo dục Việt Nam đã đạt được những kết quả khả quan, đáp ứng nhu cầu thực tế, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục nói chung và giảng dạy tiếng Pháp tại Việt Nam với hiệu quả tối ưu.

Mặt khác, quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với cộng đồng Pháp ngữ luôn được coi trọng, điều đó thể hiện qua các chuyến viếng thăm chính thức của lãnh đạo cấp cao Việt Nam và các văn bản ký kết quan trọng như: Tuyên bố hợp tác giữa Bộ GD&ĐT (Việt Nam) và Bộ Châu Âu và Ngoại giao (Pháp) về giảng dạy và quảng bá tiếng Pháp tại Việt Nam…

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cũng cho biết Bộ GD&ĐT đã thành lập Ban chỉ đạo chung về giảng dạy tiếng Pháp từ năm 2019, các bên đã có phiên họp lần thứ nhất để thống nhất cùng triển khai có hiệu quả các hoạt động củng cố và phát triển việc giảng dạy tiếng Pháp phổ thông ở Việt Nam.

Tuy nhiên do diễn biến của đại dịch Covid, nên 2 bên đã không thể gặp nhau sớm hơn và phải đối mặt với những thách thức nhất định, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện trong giáo dục, đòi hỏi việc giảng dạy tiếng Pháp ở phổ thông cần được điều chỉnh để phù hợp  hơn với bối cảnh mới…

Đây là những lý do hai bên họp phiên thứ hai Ban chỉ đạo chung về giảng dạy tiếng Pháp để trao đổi, thảo luận vấn đề liên quan như: Đánh giá sơ bộ về tình hình giảng dạy tiếng Pháp tại Việt Nam; Thống nhất chủ trương, đề xuất phương thức và lộ trình hỗ trợ giảng dạy tiếng Pháp đối với các lớp song ngữ tiếng Pháp, chương trình tiếng Pháp ngoại ngữ 1, 2.

Cụ thể đó là hoàn thiện điều chỉnh ban hành Chương trình song ngữ tiếng Pháp mới (gồm môn tiếng Pháp và môn Toán bằng tiếng Pháp) căn cứ theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, biên soạn tài liệu giảng dạy chương trình song ngữ tiếng Pháp.

Thay đổi cách thức đánh giá cấp chứng nhận Pháp ngữ cho học sinh học theo chương trình song ngữ tiếng Pháp, tiến tới thay việc cấp bằng chứng nhận Pháp ngữ bằng loại văn bằng có giá trị quốc tế DELF công nhận trình độ tiếng Pháp của học sinh.

Ngoài  ra cũng đồng thời  thảo thuận về việc tập huấn bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên; Biên soạn SGK tiếng Pháp ngoại ngữ 1, ngoại ngữ 2; Các hoạt động văn hóa Pháp ngữ…

Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, hiện toàn quốc có 35 tỉnh/thành phố có giảng dạy tiếng Pháp trong đó chương trình tiếng Pháp song ngữ và tăng cường được giảng dạy tại 13 tỉnh, chuyên tại 15 tỉnh. Tiếng Pháp ngoại ngữ 2 tại 19 tỉnh và ngoại ngữ 1 tại 32 tỉnh.

Tổng số học sinh theo học tiếng Pháp vẫn ổn định ở con số khoảng 38.000. Tổng số giáo viên tiếng Pháp khoảng hơn 400, giáo viên toán  Pháp khoảng hơn 30. Tổng số trường có giảng dạy tiếng Pháp khoảng 171 trường và 1190 lớp.

Trong đó việc giảng dạy tiếng Pháp ngoại ngữ 2 chiếm số lượng học sinh đông nhất, khoảng gần 20.000 học sinh, tiếp theo đó là chương trình song ngữ và tăng cường tiếng Pháp chiếm khoảng hơn 7.500 học sinh…

Theo ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Phó ban chỉ đạo quốc gia về giảng dạy tiếng Pháp, việc giảng dạy tiếng Pháp tại Việt Nam bên cạnh thuận lợi còn một số khó khăn chung trong quá trình triển khai.

Cụ thể, dù hai bên đều nỗ lực để không ngừng nâng cao hiệu quả quản lý và chất lượng giảng dạy, tạo thêm sức hút cho chương trình song ngữ tiếng Pháp, hiệu quả thực tế chưa thực sự được như mong muốn.

Chương trình song ngữ tiếng Pháp ở các cấp đã được ban hành từ năm 2010, cần được điều chỉnh bổ sung cập nhật theo Chương trình giáo dục phổ thông mới. Chưa có tài liệu giảng dạy chuyên biệt dành cho chương trình.

Hệ thống các giáo viên dạy môn khoa học bằng tiếng Pháp ngày càng thiếu và chưa có đội ngũ kế cận dẫn tới một số tỉnh thành xin rút khỏi chương  trình song ngữ và chỉ duy trì  chương trình tăng cường tiếng Pháp (không học các môn khoa học bằng tiếng Pháp). Giá trị của chứng nhận Pháp ngữ không được như trước.

Mặt khác, việc tập huấn, đào tạo thường xuyên cho giáo viên và cán bộ quản lý trong suốt những năm qua đã đạt kết quả khả quan, tăng thêm động lực cho người dạy và người học, cải thiện chất lượng dạy học, song số lượng các đợt tập huấn giảm do dịch Covid, tập huấn cán bộ quản lý không được tổ chức như trước.

 

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ (giữa) dự và phát biểu tại phiên họp. 

Không để phong trào Pháp ngữ tại Việt Nam suy giảm

Phát biểu tại phiên họp, ông Nicolas Warnery, Đại sứ nước Cộng hòa Pháp tại Việt Nam khẳng định việc giảng dạy tiếng Pháp luôn là chủ đề quan trọng đối với quan hệ song phương 2 nước và được đề cập trong nhiều cuộc làm việc cấp cao giữa 2 bên. Đặc biệt trong chuyến thăm tháng 11 vừa qua của Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính sang Pháp, chủ đề này cũng được đề cập...

Đối với Pháp, tiếng Pháp không chỉ được coi ngôn ngữ quan trọng trong lĩnh vực ngoại giao mà còn là công cụ trong các lĩnh vực khác như kinh tế, y học, khoa học… Tiếng Pháp cần thiết để thanh niên Việt Nam tiếp cận với giáo dục, các trường đại học, nền văn hóa... không chỉ ở Pháp mà ở nhiều nơi trên thế giới sử dụng tiếng Pháp. Đặc biệt, từ năm 2022, Học viện Ngoại giao Việt Nam quyết định sẽ tăng số lượng nhiều hơn với sinh viên đào tạo theo chuyên ngành tiếng Pháp.

Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam bày tỏ mong muốn và mang tới thông điệp: “Không để mất tiếng Pháp và phong trào Pháp ngữ tại Việt Nam suy giảm bởi Pháp ngữ đã tồn tại và phát triển ở Việt Nam khá lâu. Nhiều gia đình Việt Nam có truyền thống học tiếng Pháp; tiếng Pháp được giảng dạy trong một số trường đại học lớn của Việt Nam. Đây là di sản cần gìn giữ từ thế hệ này qua thế hệ khác...”.

Ông Nicolas Warnery khẳng định, với nền tảng vững chắc, việc phát triển Pháp ngữ ở Việt Nam khá thuận lợi. Những nỗ lực, nguồn lực mà 2 bên đem đến sẽ góp phần thực hiện được mục tiêu đặt ra. Việt Nam hoàn toàn có thể yên tâm vào sự ủng hộ, đồng hành chia sẻ của Pháp trong vấn đề dạy học tiếng Pháp. Thời gian tới hai bên sẽ tiếp tục trao đổi, cùng tháo gỡ trực tiếp khó khăn trong quá trình triển khai...

Ông Nicolas Warnery, Đại sứ nước Cộng hòa Pháp tại Việt Nam (thứ 2 từ phải sang) mong muốn không để tiếng Pháp tại Việt Nam suy giảm.

Bà Sophie Maysonnave, Tham tán Văn hóa Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam cũng chia sẻ với khó khăn trong việc dạy học tiếng Pháp của Việt Nam hiện tại mà Bộ GD&ĐT nêu lên. Đồng thời đã đưa ra một số giải pháp tháo gỡ các vấn đề vướng mắc trong thời gian tới để dạy học tiếng Pháp tại Việt Nam tiếp tục phát triển.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục xây dựng các chủ trương chính sách, nhiệm vụ cụ thể về chương trình, tài liệu giảng dạy, đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất và hoạt động của các nhà trường. Cùng đó triển khai, thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông trong đó có môn Tiếng Pháp với tư cách là ngoại ngữ 1 và ngoại ngữ 2. Phía Việt Nam cũng cam kết tiếp tục phát triển giảng dạy chương trình tiếng Pháp song ngữ, ngoại ngữ 1 và ngoại ngữ 2 với chất lượng và ổn định về số lượng.

Tuy nhiên để đạt được mục tiêu đề ra, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho rằng sự hỗ trợ, hợp tác từ phía các đối tác Pháp ngữ rất quan trọng và các bên cần tích cực thúc đẩy 5 vấn đề.

Trước hết, hoàn thiện cải tiến chương trình và tài liệu giải dạy chương trình song ngữ tiếng Pháp đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục theo Chương trình giáo dục phổ thông Việt Nam 2018 ngay trong năm 2022.

Hỗ trợ biên soạn sách giáo khoa tiếng Pháp ngoại ngữ 1, 2

Hỗ trợ tập huấn giáo viên tiếng Pháp và các môn khoa học bằng tiếng Pháp.

Tăng cường các hoạt động văn hóa Pháp ngữ như giao lưu trao đổi học sinh, giáo viên, kết nghĩa vùng, thi Olympic tiếng Pháp, nghiên cứu khoa học.

Hai bên cần tiếp tục trao đổi để thống nhất việc thay đổi phương thức công nhận tốt nghiệp chương trình song ngữ tiếng Pháp, hỗ trợ các điều kiện về lệ phí cũng như nâng cao chất lượng giáo dục để học sinh song ngữ tiếng Pháp được cấp Bằng tiếng Pháp quốc tế DELF B2 kể từ năm 2022. Coi tiếng Pháp song ngữ là Tiếng Pháp ngoại ngữ 1, môn học bắt buộc từ lớp 3 tới lớp 12 tại Việt Nam.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh hai bên cần tiếp tục tăng cường hoạt động quảng bá, tuyên truyền cho việc giảng dạy tiếng Pháp để có thể thuyết phục nhiều học sinh, phụ huynh học sinh cho con em lựa chọn tiếng Pháp.

Bộ GD&ĐT Việt Nam cũng mong muốn nhận được sự hỗ trợ của các đối tác trong việc tìm kiếm đầu ra cho người học, chia sẻ kinh nghiệm quản lý, giáo viên, phát triển nguồn học liệu…