Kiên Giang: Nâng cao chất lượng và phát triển năng lực dạy và học giáo viên tiếng Anh các cấp thời kỳ công nghiệp 4.0

Toàn cảnh hội thảo khoa học “Nâng cao chất lượng dạy học và học tiếng Anh thời kỳ công nghiệp 4.0 cho giảng viên, giáo viên tiếng Anh các cấp trên địa bàn tỉnh Kiên Giang”.

Đến tham dự hội thảo có bà Nguyễn Thị Mai Hữu – Trưởng ban Quản lý đề án ngoại ngữ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, ông Trần Quang Bảo – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kiên Giang, TS. Nguyễn Tuấn Khanh – Hiệu trưởng Trường Đại học Kiên Giang, TS. Nguyễn Trung Cang – Trưởng khoa Ngoại ngữ, Trường Đại học Kiên Giang cùng sự tham dự của hơn 230 giảng viên, giáo viên ở các trường Đại học, THPT, THCS, tiểu học, trung tâm giáo dục thường xuyên trên địa bàn trong và ngoài tỉnh Kiên Giang.
Hiện nay, nhằm đáp ứng xu thế hội nhập phát triển của đất nước với mục tiêu xây dựng được đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao, hầu hết các trường đại học Việt Nam đều đã đưa môn ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh vào chương trình giảng dạy. Trong bối cảnh chủ trương tự chủ đối với lĩnh vực giáo dục đang được triển khai quyết liệt, việc đổi mới phương thức giảng dạy ngoại ngữ tại các trường đại học tại Việt Nam là yêu cầu tất yếu. Mà đặc biệt sự tác động của cuộc cách mạng công nghệ 4.0.

Kiên Giang: Nâng cao chất lượng và phát triển năng lực dạy và học giáo viên tiếng Anh các cấp thời kỳ công nghiệp 4.0

Bà Nguyễn Thị Mai Hữu – Trưởng ban Quản lý đề án ngoại ngữ, Bộ Giáo dục và Đào tạo phát biểu hướng dẫn các vấn đề thảo luận.

Phát biểu tại hội thảo, TS. Nguyễn Tuấn Khanh – Hiệu trưởng Trường Đại học Kiên Giang nhấn mạnh với sự bùng nổ của nền công nghiệp 4.0 việc dạy và học tiếng Anh là tất yếu, vì vậy nâng cao chất lượng dạy học tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo là một nhiệm vụ trọng tâm của nền giáo dục.
Việc dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2017 – 2025 có mục tiêu chung là đổi mới việc dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân, tiếp tục triển khai chương trình dạy và học ngoại ngữ mới ở các cấp học, trình độ đào tạo, nâng cao năng lực sử dụng ngoại ngữ đáp ứng nhu cầu học tập và làm việc; tăng cường năng lực cạnh tranh của nguồn nhân lực trong thời kỳ hội nhập, góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước; tạo nền tảng phổ cập ngoại ngữ cho giáo dục phổ thông năm 2025.
Tại hội thảo, ông Trần Quang Bảo – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, cho biết kết quả dạy và học tiếng Anh của tỉnh Kiên Giang thời gian qua đã đạt được nhiều thành tích nhất định. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn như: điều kiện học tập của thầy cô giáo vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới hải đảo còn khó khăn; việc ứng dụng công nghệ thông tin vào việc soạn bài, giảng dạy còn hạn chế; việc đổi mới phương pháp dạy, học truyền thống qua dạy học tích cực còn ít…

Kiên Giang: Nâng cao chất lượng và phát triển năng lực dạy và học giáo viên tiếng Anh các cấp thời kỳ công nghiệp 4.0

Ông Trần Quang Bảo – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kiên Giang phát biểu tại hội thảo khoa học

Theo ông Trần Quang Bảo, nguyên nhân cơ bản là do cơ sở vật chất phục vụ việc dạy tiếng Anh ở vùng sâu vùng xa, biên giới hải đảo chưa đảm bảo, học sinh nghe nói chủ yếu chỉ mới thông qua bài học do giáo viên tự chuẩn bị; một số thầy cô dạy tiếng Anh của tỉnh còn hạn chế về kỹ năng nghe, nói tiếng Anh; động lực học tiếng Anh của học sinh chủ yếu là để vượt qua kỳ thi, chưa hướng đến kỹ năng thực hành trong thực tế,…
“Mong rằng hội thảo sẽ dành nhiều thời gian để chia sẻ kinh nghiệm, tìm ra giải pháp khắc phục những khó khăn, hạn chế còn tồn tại” – ông Trần Quang Bảo nói.
Tại Hội thảo cũng đã trình bày 12 tham luận và thảo luận các vấn đề như: tại sao người học thiếu động cơ học tập trong lớp học tiếng Anh; mô hình học tập “Blended learning – học tập phối hợp” nào là thực tế; 1 số giải pháp để khuyến khích học sinh yếu tham gia vào các hoạt động học tập; những yếu tố ảnh hưởng đến việc áp dụng công nghệ vào hệ thống giáo dục Việt Nam; sẵn sàng cho giáo dục trong giai đoạn công nghiệp 4.0; làm thế nào để tạo ngữ cảnh giao tiếp tự nhiên trong lớp học. Đặc biệt là phương pháp “Lesson Study” (nghiên cứu bài giảng) trong việc phát triển nghiệp vụ giáo viên. Nghiên cứu trường hợp về niềm tin của giáo viên Việt Nam.

Kiên Giang: Nâng cao chất lượng và phát triển năng lực dạy và học giáo viên tiếng Anh các cấp thời kỳ công nghiệp 4.0

TS. Nguyễn Tuấn Khanh – Hiệu trưởng Trường Đại học Kiên Giang phát biểu tại hội thảo khoa học

Theo TS. Nguyễn Trung Cang – Trưởng khoa Ngoại ngữ, Trường Đại học Kiên Giang thì “Nghiên cứu bài giảng” là một trong những phương pháp phát triển nghiệp vụ giáo viên, cải thiện chất lượng giảng dạy theo hướng đóng góp xoay vòng liên tục. Với phương pháp này, giáo viên sẽ làm việc theo nhóm nhỏ để thiết kế bài giảng, thực hiện bài giảng đó ở lớp học thực tế của một giáo viên, các giáo viên khác tổng hợp các dữ liệu liên quan đến quá trình học tập và phát triển của học sinh, sinh viên. Từ đó nhìn nhận và thảo luận về các dữ liệu trên, đóng góp vào sự phát triển bài giảng. Bài tham luận trình bày báo cáo nghiên cứu về nhóm 4 giáo viên tiếng Anh ở Việt Nam soạn bài giảng theo phương pháp “Lesson study” trong 15 tuần. Phương pháp định lượng trong phỏng vấn, viết phản hồi và quan sát được sử đụng để thu thập các dữ liệu liên quan. 
Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng giáo viên hoàn toàn nhận thức được tầm quan trọng của việc “Nghiên cứu bài giảng” trong chiến lược phát triển nghiệp vụ chuyên môn. Giáo viên khẳng định rằng “Nghiên cứu bài giảng” tạo cơ hội cho việc học tập, hợp tác, trao đổi chuyên môn giúp bài giảng được thiết kế hiệu quả hơn, góp phần đạt được mục tiêu của người học và giúp giáo viên tự tin hơn trong các buổi dự giờ chuyên môn. Tuy nhiên, một vài khó khăn mà giáo viên gặp phải cũng được nghiên cứu chỉ ra, ít nhiều tác động đến hiệu quả của phương pháp này.

Kiên Giang: Nâng cao chất lượng và phát triển năng lực dạy và học giáo viên tiếng Anh các cấp thời kỳ công nghiệp 4.0

TS. Nguyễn Trung Cang – Trưởng khoa Ngoại ngữ, Trường Đại học Kiên Giang trình bày tham luận tại hội thảo khoa học.

Trong bối cảnh chịu sự tác của cuộc cách mang công nghệ 4.0. Việc sử dụng các công nghệ, các phương thức hỗ trợ công nghệ hiện đại bằng sự tương tác trực tiếp sẽ hỗ không chỉ giúp người học nhanh dễ dàng mà giảng viên cũng sẽ không áp lực nhiều về giáo án. Chẳng hạn, khi trao đổi về một vấn đề lao động việc làm trên thế giới, thông qua hình thức live stream với một chuyên gia, một người dân bất kỳ (có thể là bạn bè qua mạng của giáo viên hoặc sinh viên) để trao đổi trực tiếp về vấn đề đó, vừa sinh động, vừa thực tế hơn rất nhiều…