cô và học trò.jpg

Cô Vũ Thị Trang và học trò.

Tiền đề thay đổi chất lượng môn học

Cô Vũ Thị Trang cho rằng, cải thiện năng lực ngoại ngữ là quá trình lâu dài. Điều này thể hiện rõ giữa học sinh được học tiếng Anh hệ 10 năm và 7 năm. Do đó, thực hiện Chương trình GDPT 2018, dạy bắt buộc tiếng Anh từ lớp 3 là tiền đề thay đổi chất lượng môn học.

Để mục tiêu học sinh Việt Nam sau 10 năm học tiếng Anh, khi tốt nghiệp THPT có thể đạt tới mức 3 Khung năng lực ngoại ngữ châu Âu, cần sự vào cuộc thực sự của địa phương về nhân sự, điều kiện dạy-học, cơ chế chính sách thu hút chuyên gia nước ngoài vào giảng dạy.

Với vai trò một giáo viên, cô Vũ Thị Trang kỳ vọng chương trình mới là nguồn tài liệu hỗ trợ đắc lực cho dạy và học của thầy và trò, cụ thể:

Một là, giúp nâng cao năng lực tiếng Anh cho đội ngũ giáo viên trường THCS. Trong đó chú trọng hình thức tự học và tự bồi dưỡng về kỹ năng phát âm, kiến thức ngữ pháp, từ vựng; kỹ năng nghe, nói, đọc, viết; tích cực nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng cũng như tăng cường sinh hoạt chuyên môn.

Hai là, giúp nâng cao chất lượng dạy học tiếng Anh và kiểm tra đánh giá theo hướng phát triển năng lực học sinh. Trong đó chú trọng nâng cao năng lực dạy học kết hợp với kiểm tra - đánh giá quá trình, đánh giá theo chuẩn đầu ra. Phát triển chương trình dạy học và khai thác nguồn học liệu đảm bảo tính phân hóa về nhận thức, trình độ và đặc điểm tâm sinh lý của học sinh.

Thiết kế đa dạng, linh hoạt các hoạt động trong mỗi tiết học như warm up, vocabulary, grammar, listening, writing, reading, speaking… hoặc bài tập củng cố kiến thức, tổ chức trò chơi, các hoạt động để đánh giá kết quả học tập. Trong mỗi hoạt động, xác định được mục tiêu, nội dung, cách thức, điều kiện tổ chức; phương thức kiểm tra, đánh giá người học cũng như dự kiến các phương án có thể xảy ra.

Lựa chọn và thiết kế phiếu học tập, tranh ảnh, video… phục vụ cho các hoạt động học tập. Chú trọng trang bị kiến thức về văn hóa, tập trung phát triển kĩ năng nghe, nói qua các hoạt động project, hoạt động góc, tổ chức dạy học phân hóa theo trình độ nhận thức và đặc điểm tâm lý của học sinh.

Bên cạnh sử dụng các phương pháp dạy học như trực quan, vấn đáp, thực hành…, giáo viên cần áp dụng dạy học theo góc cho các giờ looking back, học theo dự án các tiết project; sử dụng kĩ thuật khăn trải bàn, mảnh ghép, sơ đồ tư duy, động não trong các giờ phát triển kĩ năng nói và viết.

Đa dạng hóa môi trường học tiếng Anh thông qua các hình thức nhóm/cặp, cá nhân, toàn lớp, trò chơi học tập, sắm vai, sân khấu hóa… Tạo sự đa dạng tương tác giữa giáo viên với học sinh, giữa học sinh với học sinh, phát triển kỹ năng giao tiếp.

Song song với việc sử dụng các bài kiểm tra thường xuyên, định kỳ, giáo viên tăng cường đánh giá quá trình, kết hợp đánh giá của thầy với tự đánh giá của trò. Để đánh giá định kì, giáo viên nắm vững kĩ thuật xây dựng ma trận đề thi, xác định được các trọng số của từng nội dung; ra đề; xây dựng được các tiêu chí chấm điểm, phân tích kết quả kiểm tra. Đồng thời, đánh giá quá trình trong tiết học dự án, sử dụng hồ sơ học tập, nhật ký học tập.

Ba là, rèn năng lực tự học tiếng Anh cho học sinh. Trong đó, các giải pháp rèn năng lực tự học trên lớp như sử dụng ngôn ngữ đích (target language) bằng ngôn từ dễ hiểu để học sinh được quen với ngôn ngữ tiếng Anh. Thiết lập, lưu giữ sổ từ vựng để ghi chép, lưu giữ từ mới, các thông tin liên quan.

Sử dụng phiếu ra/ vào lớp (admit and exit slips) để phản ánh về bài học/ bài tập đã học. Sử dụng kĩ thuật Think - Pair- Share giúp học sinh suy nghĩ, thảo luận và chia sẻ về nội dung bài học. Các giải pháp nâng cao năng lực tự học ngoài lớp như dạy học dự án, ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng nhật ký học tập…

cô trang.jpg

Cô Vũ Thị Trang.

Những điều được và chưa được

Dạy học tiếng Anh theo hướng phát triển năng lực học sinh là dạy học đáp ứng chuẩn đầu ra, chủ yếu đánh giá năng lực tiếng Anh tổng hợp. Biểu hiện cụ thể là ở khả năng sử dụng tiếng Anh một cách thành thạo cả 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết và có thể vận dụng ngôn ngữ vào mọi tình huống giao tiếp.

Vì thế, cô Vũ Thị Trang cho rằng, chương trình dạy học định hướng phát triển năng lực tập trung vào việc mô tả chất lượng đầu ra, có thể coi là “sản phẩm cuối cùng” của quá trình dạy học.

Chương trình này không quy định những nội dung dạy học chi tiết mà quy định kết quả đầu ra mong muốn của quá trình giáo dục. Trên cơ sở đó đưa ra những hướng dẫn chung về việc lựa chọn nội dung, phương pháp, tổ chức và đánh giá kết quả nhằm đảm bảo thực hiện được mục tiêu dạy học. Hiện nay, hệ thống các trường cao đẳng, đại học cũng như các trường phổ thông đánh giá năng lực ngoại ngữ (tiếng Anh) theo Khung tham chiếu chung châu Âu về ngôn ngữ.

Thực trạng quản lý hoạt động dạy học tiếng Anh ở trường THCS đã được thực hiện tương đối chặt chẽ, đặc biệt là hồ sơ dạy học. Các nhà trường đã chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, tạo điều kiện và khuyến khích đội ngũ giáo viên nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ.

Hoạt động dạy học tiếng Anh đã được thực hiện tương đối đa dạng bằng việc sử dụng các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, sử dụng mô hình tiếng Anh cộng đồng, kết hợp các hình thức, phương pháp đánh giá định tính với đánh giá định lượng, đánh giá thời điểm và đánh giá quá trình.

Tuy vậy, giáo viên còn tuân thủ nghiêm ngặt các hoạt động được thiết kế trong sách giáo khoa, chưa có sự linh hoạt và mềm dẻo, vì vậy chưa phù hợp với trình độ nhận thức và năng lực của học sinh.

Việc sử dụng quy trình cũng như kỹ thuật dạy học cá nhân kết hợp với dạy học hợp tác, dạy học phân hóa còn có những hạn chế nhất định. Hình thức đánh giá quá trình chưa được thực hiện rõ nét, quan tâm nhiều đến thành tích hơn là phát triển năng lực học tập cho học sinh; rèn kỹ năng đọc - viết nhiều hơn là kỹ năng nghe - nói.

Năng lực tự học tiếng Anh của học sinh được đánh giá chủ yếu ở mức độ trung bình. Nhìn chung, học sinh nắm được kiến thức cơ bản về ngữ pháp, từ vựng; thực hiện các bài đọc hiểu như đọc và trả lời câu hỏi; đọc và lựa chọn đáp án đúng; đọc và điền từ…; hoàn thành bài tập sắp xếp các từ xáo trộn thành câu, viết lại câu, viết đoạn văn.

Học sinh còn mắc nhiều lỗi về ngữ pháp và từ vựng hoặc bỏ qua bài viết, hạn chế về năng lực nghe hiểu, năng lực thuyết trình, giao tiếp và viết bài luận. Các em tự học trong điều kiện đa phương tiện còn nhiều hạn chế. Phần lớn học sinh chỉ thực hiện nhiệm vụ giáo viên giao hoặc gắn với điểm số. Số ít học sinh yêu thích môn tiếng Anh mới tự giác hoàn thành bài tập, tham khảo tài liệu.

ảnh minh họa.png

Ảnh minh họa.ITN.

Giáo viên là yếu tố quyết định

Trong lộ trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, có thể nói rằng giáo viên là yếu tố quyết định hàng đầu trong việc thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy. Chương trình giáo dục phổ thông 2018, chuyển từ định hướng nội dung sang định hướng phát triển phẩm chất và năng lực. Giáo viên phải có năng lực sư phạm mới đáp ứng chương trình này.

Chia sẻ quan điểm trên, theo cô Vũ Thị Trang, vượt qua thách thức này, vấn đề cốt lõi vẫn là “tự học”, “tự đào tạo” để nâng chuẩn và đáp ứng chuẩn. Cô Trang mong muốn bộ ngành tạo điều kiện và tổ chức các chương trình đào tạo chất lượng để nâng cao nghiệp vụ của giáo viên.

Đồng thời, đề ra nhiều chương trình, kế hoạch, tổ chức hội thảo, chuyên đề bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên. Mở các lớp bồi dưỡng, đào tạo giáo viên học tập đạt chuẩn, nâng chuẩn, hiểu rõ về chương trình giáo dục phổ thông mới và thực hiện theo lộ trình đổi mới. Mỗi năm, Sở GD&ĐT đều có những lớp bồi dưỡng thường xuyên, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên.

Về phía các nhà trường, để đáp ứng với yêu cầu của Chương trình GDPT mới, cần phải bổ sung thêm cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, phòng học…

Cụ thể: Cấp tiểu học yêu cầu các trường phải có phòng giáo dục nghệ thuật, phòng Khoa học - Công nghệ, Tin học, Ngoại ngữ.

Cấp THCS yêu cầu các trường có các loại phòng học bộ môn tin học, công nghệ, khoa học tự nhiên, ngoại ngữ, giáo dục công nghệ.

Cấp THPT yêu cầu có các loại phòng bộ môn Công nghệ, Nghệ thuật, Vật lí, Sinh học, Hóa học, Ngoại ngữ.