Toàn cảnh phiên khai mạc Hội thảo
Hội thảo Quốc tế về Ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy 2024 được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, thu hút hơn 160 bài báo cáo của gần 200 tác giả trong và ngoài nước. Hội thảo có sự tham gia của nhiều diễn giả danh tiếng đến từ nhiều quốc gia như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Úc, Macao, Malaysia, Đài Loan, và Thái Lan. Hội thảo vinh dự có sự góp mặt của các diễn giả chính là những học giả, chuyên gia hàng đầu trong ngành từ các cơ sở đào tạo uy tín trên thế giới như như GS. TS. Glenn Stockwell (Trường Đại học Waseda, Nhật Bản), GS.TS. Mark Pegrum (Trường Đại học Tây Úc), PGS.TS. Hea Suk Kim (Trường Đại học Nữ sinh Hàn Quốc), GS. TS. Lee Kean Wah (Trường Giáo dục, Đại học Nottingham, Malaysia) và các đại diện đến từ các tổ chức nghiên cứu, giảng dạy Tiếng Anh uy tín như Phân hội Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ trong dạy-học ngôn ngữ - VietCALL, Đề án Ngoại ngữ Quốc gia và Nhà xuất bản National Geographic Learning.
Đại biểu khách mời tham dự phiên khai mạc Hội thảo
Trong phát biểu chào mừng, PGS. TS. Nguyễn Thúy Nga – Trưởng khoa Ngôn ngữ Anh, Trường Ngoại ngữ - Du lịch, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội khẳng định Hội thảo này là nền tảng để chia sẻ kiến thức và nghiên cứu, là cơ hội để các học giả, nhà giáo dục và các nhà nghiên cứu tham gia trao đổi, đặt câu hỏi, nêu lên thực trạng, thách thức và tìm kiếm sự hợp tác có ý nghĩa. Chúng ta ở đây để học hỏi lẫn nhau, trao đổi ý tưởng và kinh nghiệm, và tạo ra các quan hệ đối tác mới sẽ thúc đẩy lĩnh vực CALL và Học ngôn ngữ nâng cao bằng công nghệ (TELL).
PGS. TS. Nguyễn Thúy Nga – Trưởng khoa Ngôn ngữ Anh, Trường Ngoại ngữ - Du lịch phát biểu chào mừng
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, Bà Siew Ming Thang – Chủ tịch Hiệp hội Ứng dụng CNTT trong dạy và học ngoại ngữ Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương - nhấn mạnh tầm quan trọng của ứng dựng công nghệ trong giảng dạy trong thời đại cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và thâm chí 5.0. Hội thảo này là một diễn đàn bổ ích để chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng công nghệ trong giảng dạy để tạo môi trường học tập hứng thú và hiệu quả, trao đổi và cập nhật thực trạng toàn cầu về việc học ngôn ngữ có ứng dụng công nghệ thông tin.
Bà Siew Ming Thang - Chủ tịch Hiệp hội Ứng dụng CNTT trong dạy và học ngoại ngữ Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương phát biểu đề dẫn Hội thảo
Đại diện cho đơn vị đồng tổ chức, bà Nguyễn Thị Mai Hữu, Trưởng ban Quản lý Đề án Ngoại ngữ Quốc gia, cho biết việc tích hợp công nghệ thông tin vào giảng dạy và học ngoại ngữ là một trong những nhiệm vụ chính của Đề án do Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai. Hội thảo Quốc tế GLoCALL là một sự kiện mang tính ứng dụng cao, nắm bắt nhanh xu hướng phát triển trong thời đại 4.0 và phù hợp với các mục tiêu của Đề án Ngoại ngữ Quốc gia. Bà Nguyễn Thị Mai Hữu mong muốn những kiến thức hữu ích tiếp thu từ hội thảo sẽ được nhân rộng và áp dụng vào công tác giảng dạy tại các đơn vị.
Bà Nguyễn Thị Mai Hữu, Trưởng ban Quản lý Đề án Ngoại ngữ Quốc gia phát biểu tại Hội thảo
Trình bày tại phiên toàn thể, GS.TS. Glenn Stockwell chia sẻ về vai trò chuyển đổi của công nghệ trong việc định hình giảng dạy và học ngôn ngữ, một xu hướng rõ rệt cả trong và ngoài lớp học trên toàn thế giới.
GS.TS. Glenn Stockwell - Đại học Waseda trình bày báo cáo tại phiên toàn thể
Giáo sư Tiến sĩ Kean Wah Lee, Giám đốc Nghiên cứu tại Trường Giáo dục, Đại học Nottingham Malaysia, Phó Chủ tịch PacCALL, đề cập về việc tích hợp giáo dục STEM với giảng dạy tiếng Anh thông qua công nghệ hỗ trợ ngôn ngữ (CALL).
GS.TS. Kean Wah Lee, Giám đốc Nghiên cứu tại Trường Giáo dục, Đại học Nottingham Malaysia, Phó Chủ tịch PacCALL trình bày báo cáo tại phiên toàn thể
Báo cáo viên trình bày báo cáo tại phiên song song
Hội thảo Quốc tế GloCALL 2024 là diễn đàn chuyên môn sâu rộng tạo không gian kết nối và cơ hội tuyệt vời để chia sẻ kết quả nghiên cứu cũng như góc nhìn đa dạng về đào tạo Tiếng Anh tích hợp công nghệ trong giảng dạy. Với nhiều nội dung thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm và trải nghiệm hấp dẫn, sát thực tiễn về ứng dựng công nghê trong dạy và học ngôn ngữ, Hội thảo đã đề xuất nhiều giải pháp mới, chuyên sâu, phù hợp để phát triển năng lực, cải tiến công nghệ nhằm nâng cao trải nghiệm dạy và học trong bối cảnh toàn cầu hóa.