Thành phần tham dự Hội thảo gồm các đại diện Ban giám hiệu và Trưởng Khoa (Bộ môn) của 34 cơ sở giáo dục có dạy tiếng Nga trên toàn quốc, từ THCS, THPT cho đến cao đẳng, đại học; đại diện một số Sở GD&ĐT như Khánh Hòa, Hòa Bình, Hải Phòng… Các vị đại diện của Cục Đào tạo-Bộ Công an và Bộ GD&ĐT như Vụ TCCB, Vụ GDTrH, Vụ GDĐH, Cục ĐTVNN cũng đến dự. Về phía Nga, có Ông Đại biện lâm thời ĐSQ LB Nga tại Việt Nam - ĐSQ LB Nga tại Việt Nam, Bí thư thứ 1 phụ trách văn hóa-giáo dục, đại diện Trung tâm KH&VH Nga tại Hà Nội. Phóng viên VTV4 Đài Truyền hình Việt Nam và các báo đã đến đưa tin.
Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Nguyễn Thị Thu Đạt - Phó Giám đốc Phân viện Puskin - bày tỏ sự vui mừng trước sự hiện diện của các vị đại biểu - chứng tỏ sự quan tâm đối với phong trào tiếng Nga, và chúc hội thảo thành công tốt đẹp.
TS. Nguyễn Thị Thu Đạt - Phó Giám đốc Phân viện Puskin phát biểu khai mạc hội thảo
Trong phần một của hội thảo các đại diện các cơ sở giảng dạy tiếng Nga trong nước đã trình bày những báo cáo, tham luận về tình hình dạy và học tiếng Nga trên toàn quốc. Các đại diện nêu lên những khó khăn hiện tại và trước mắt, trong đó có vấn đề đầu vào và đầu ra (tuyển sinh ở THPT và việc hạn chế khi thi vào các trường ĐH); việc thiếu đội ngũ giảng viên, thiếu vắng chuyên gia người bản ngữ, số giờ dạy dành cho tiếng Nga còn quá ít, dẫn đến kết quả đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu về chất lượng; giáo trình cũ, không phù hợp với đối tượng người Việt, thiếu tài liệu tham khảo...
Trong phần hai, Hội thảo được nghe những đề xuất, kiến nghị nhằm khôi phục và phát triển công tác giảng dạy và học tiếng Nga ở Việt Nam hiện nay. Đó là mở thêm và tăng chỉ tiêu các ngành thi đại học bằng tiếng Nga, đổi mới giáo trình, đào tạo giảng viên tiếng Nga, tổ chức nâng cao trình độ cho GV thường niên, tổ chức các chương trình giao lưu văn hóa Nga-Việt…
Hội thảo đánh giá thực trạng dạy và học tiếng Nga trên toàn quốc
Đặc biệt, các đơn vị đều thống nhất đề nghị Bộ giao PV Puskin làm chủ trì xây dựng Kế hoạch Đề án tiếng Nga, kết hợp với các trường Đại học, các Sở GD&ĐT, các đơn vị; là đầu mối trong các hoạt động nhằm tuyên truyền phổ biến tiếng Nga, là nơi cung cấp giáo trình, sách vở, tài liệu tiếng Nga; tổ chức tập huấn nâng cao trình độ cho GV tiếng Nga toàn quốc; cung cấp chuyên gia giảng dạy cho HS, SV tại các trường; tăng cường hợp tác giữa các cơ quan Nga-Việt, tiến hành giao lưu định kì giữa các đơn vị.
Phát biểu tổng kết buổi hội thảo, TS. Vũ Thị Tú Anh, Phó Trưởng ban Thường trực BQL Đề án NNQG 2020 đã hứa hẹn quan tâm đến việc hỗ trợ phát triển dạy và học tiếng Nga ở Việt Nam, đề xuất đẩy mạnh việc tập huấn cho giáo viên tiếng Nga về “Ứng dụng công nghệ thông tin vào việc dạy và học tiếng Nga”, “Kiểm tra, đánh giá, khảo thí”, đồng thời thay mặt ban tổ chức cảm ơn các đại diện đã đến tham dự và tuyên bố bế mạc hội thảo.