Hội thảo "Dịch thuật thời đại 4.0: Đào tạo, Nghiên cứu và Thực tiễn" (UCIT 2020) do trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với Đề án Ngoại ngữ Quốc gia và Đại học Sư phạm Đài Loan (Trung Quốc) đồng tổ chức.

Đây có thể coi là hội thảo đầu tiên về biên phiên dịch được tổ chức tại trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội với quy mô lớn, có sự tham dự của các chuyên gia, dịch giả giàu kinh nghiệm đến từ hơn 10 quốc gia và hơn 1.000 người đăng ký tham dự trực tiếp và trực tuyến.

hoi thao bien phien dich 40
Các diễn giả tại phiên toạ đàm đầu tiên của Hội thảo UCIT 2020 với chủ đề: Thực tiễn công tác biên phiên dịch.

Về phía trường Đại học Ngoại ngữ có sự góp mặt của PGS.TS. Lâm Quang Đông, Phó Hiệu trưởng, PGS.TS. Đinh Hồng Vân, Trưởng khoa Ngôn ngữ và Văn hoá Pháp, cùng đại diện là các giáo viên, giảng viên đến từ các khoa.

Đặc biệt, Hội thảo có sự tham dự của nhiều cán bộ cao cấp đồng thời là dịch giả nhiều năm kinh nghiệm như bà Tôn Nữ Thị Ninh, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội; ông Phạm Văn Chương, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực - Ban Đối ngoại TW Đảng; ông Bùi Thế Giang, nguyên Đại sứ, Phó trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc; ông Nguyễn Vinh Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ Trung Quốc và Đông Bắc Á, Ban Đối ngoại TW Đảng; ông Phạm Bình Đàm, Giám đốc Trung tâm Biên phiên dịch Quốc gia; ông Trần Trọng Hưng, Phó Trưởng ban Ban Quản lý Đề án Ngoại ngữ Quốc gia...

Được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, UCIT 2020 có sự tham dự của các chuyên gia đến từ hơn 10 quốc gia như Anh, Pháp, Đức, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Australia, Mỹ,...

hoi thao bien phien dich 40
PGS.TS. Lâm Quang Đông, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Ngoại ngữ - ĐHQGHN phát biểu khai mạc hội thảo.

Phát biểu khai mạc , PGS.TS. Lâm Quang Đông, Phó Hiệu trưởng Đại học Ngoại ngữ cho biết, hội thảo là sự kiện quan trọng, là dịp kết nối các dịch giả, các cán bộ quản lý, giảng viên, chuyên gia và các nhà khoa học trong và ngoài nước nhằm chia sẻ, thảo luận về thực trạng, xu hướng biên phiên dịch, đào tạo biên phiên dịch, nâng cao năng lực chuyên môn nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội hiện nay.

Hội thảo cũng là nơi để các diễn giả, khách mời cùng nhau tìm ra những giải pháp tối ưu cho công tác giảng dạy và học phiên dịch; kết nối các cơ sở đào tạo với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực biên phiên dịch, cũng như cơ quan, tổ chức sử dụng biên phiên dịch, nhằm đa dạng hoá các hình thức đào tạo, thực hành, thực tập và tăng cường cơ hội việc làm cho sinh viên tốt nghiệp; kết nối các chuyên gia nước ngoài nhằm thúc đẩy nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực biên phiên dịch trong thời đại cách mạng công nghệ 4.0.

hoi thao bien phien dich 40
Ông Trần Trọng Hưng, Phó Trưởng ban Ban Quản lý Đề án Ngoại ngữ Quốc gia phát biểu tại sự kiện.

Ông Trần Trọng Hưng, Phó Trưởng ban Ban Quản lý Đề án Ngoại ngữ Quốc gia nhận định, hội thảo là một trong những sự kiện học thuật giúp thực hiện Đề án Ngoại ngữ Quốc gia thuộc Bộ Giáo dục & Đào tạo. Trong thời gian qua, Đề án đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm nâng cao công tác dạy và học ngoại ngữ như xây dựng các chương trình đạo tạo mới thân thiện hơn, đẩy mạnh công tác đào tạo ngoại ngữ trực tuyến trong bối cảnh "bình thường mới" của đại dịch Covid-19 và hậu dịch.

Về phần mình, TS. Daniel Hu, Giám đốc Viện Nghiên cứu biên phiên dịch, ĐH Sư phạm Đài Loan cho rằng, biên phiên dịch cơ bản là cách giao tiếp xuyên qua thời gian và không gian. Bằng phương pháp giao tiếp này, chúng ta có thể hiểu rõ nhau hơn và từ đó xây dựng một tình bạn chặt chẽ, mạnh mẽ hơn.

"Hội thảo là cơ hội tuyệt vời để các khách mời có thể hiểu thêm về công tác nghiên cứu biên phiên dịch ở Việt Nam", TS. Daniel Hu khẳng định.

hoi thao bien phien dich 40
"Biên phiên dịch, một khi đã gắn bó thì rất khó rời bỏ, đã đến với nghề, làm được nghề thì phải có đam mê", ông Phạm Bình Đàm, Giám đốc Trung tâm Biên phiên dịch Quốc gia, Bộ Ngoại giao chia sẻ.

Phát biểu tại sự kiện, ông Phạm Bình Đàm, Giám đốc Trung tâm Biên phiên dịch Quốc gia cho biết, hội thảo là dịp vô cùng đặc biệt dành cho giới nghiên cứu, giảng dạy dịch thuật và những người làm công tác biên phiên dịch. "Có lẽ đã từ rất lâu rồi mới có một hội thảo quốc tế quy mô lớn, quy tụ các học giả, dịch giả hàng đầu trong và ngoài nước để thảo luận các chủ đề mang tính học thuật cao và có tính thiệt thực cho giới dịch thuật như thế này", ông Phạm Bình Đàm nói.

Theo Giám đốc Trung tâm Biên phiên dịch Quốc gia, khi hình thành các nhà nước, dịch là yếu tố không thể thiếu trong quan hệ bang giao, trong các giao lưu về kinh tế, văn hoá và triết học. Tuy nhiên, thế giới ngày nay đã khác xưa. Cuộc cách mạng công nghệ hiện nay đang đặt ra một số thách thức cho nghề dịch và công tác đào tạo dịch thuật.

Ngoài ra, ông Phạm Bình Đàm cho biết, thị trường dịch toàn cầu đạt giá trị 45 tỷ USD vào năm 2020. Việt Nam cũng đang trên đà trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 Đông Nam Á, thứ 44 thế giới.

"Tuy nhiên, Việt Nam chưa có hiệp hội nhà nghề, tổ chức giám sát chất lượng dịch thuật, cũng như chưa có quy chuẩn thống nhất cho đào tạo hay quy chế hành nghề... Nói cách khác, ngành dịch thuật đang bị thả nổi. Vì vậy, hội thảo diễn ra vô cùng đúng thời điểm để thảo luận những vấn đề, những xu hướng quan trọng và chắc chắn sẽ đem lại những kết quả có ý nghĩa", ông Bình Đàm khẳng định.

Hội thảo bao quát các nội dung chính như hiện trạng biên phiên dịch (chất lượng, mức độ đáp ứng nhu cầu, vấn đề nổi cộm cần giải quyết, tiêu chí đánh giá chất lượng biên phiên dịch); nhu cầu xã hội (yêu cầu, đòi hỏi của khách hàng; vai trò của khách hàng đối với công tác đào tạo biên phiên dịch, chương trình đào tạo biên phiên dịch; khả năng khách hàng đón nhận sinh viên thực tập; kết nối giữa đơn vị đào tạo và đơn vị sử dụng sản phẩm đào tạo, đào tạo dịch thuật gắn liền với nhu cầu doanh nghiệp; lý luận dịch thuật và đánh giá, phê bình dịch thuật; các hướng đi mới nhằm thúc đẩy nghiên cứu dịch thuật.

UCIT 2020 đã nhận được 80 báo cáo, trong đó có 20 báo cáo của các đại biểu quốc tế. Hội thảo được tổ chức cả ngày 27/10 với 5 phiên liên tục. Buổi sáng là 3 tọa đàm về các chủ đề: Thực tiễn công tác biên phiên dịch; Đào tạo biên phiên dịch và nhu cầu doanh nghiệp; Công nghệ 4.0 với công tác biên phiên dịch và đào tạo biên phiên dịch.

Buổi chiều với 2 phiên bao gồm 2 báo cáo, được trình bày tại phiên toàn thể và 60 báo cáo tại 10 phiên song song.