Đổi mới cách dạy và học

Cô Thùy cho biết đã đổi mới sáng tạo với nhiều cách làm, như dạy học kết nối, hướng dẫn làm project trên nền tảng mạng xã hội, đưa ứng dụng công nghệ thông tin vào trong dạy học giúp tạo động cơ học tiếng Anh cho học sinh. Để tạo động cơ học tập cho học sinh, đặc biệt ở 2 kỹ năng nêu trên thông qua việc gắn kiến thức ngôn ngữ các em được học với thực tiễn cuộc sống là điều được cô Thùy rất chú trọng.

Đó là truyền tải thông tin, làm giàu vốn hiểu biết văn hóa địa phương của học sinh, giúp các em tự tin khi giao lưu hội nhập, có bản sắc của địa phương mình. Tất cả những đổi mới sáng tạo này đều lấy học sinh làm trung tâm và hướng đến đổi mới dạy và học sao cho chất lượng tốt nhất.

Khi nhận lớp ngày đầu năm học, cô Thùy đề nghị học sinh giới thiệu về quê hương mình và đa số học sinh không trả lời được, vì vốn tiếng Anh cũng như hiểu biết về địa phương chưa đủ. Nắm được hạn chế đó, cô cùng các em bổ sung những kiến thức này thông qua các bài học, chương trình ngoại khóa và hướng dẫn các em tìm hiểu thêm trên sách, cùng các nguồn tài liệu khác.

Chỉ là những thông tin rất đơn giản mang tính giới thiệu, sau khi được chuyển đổi thành tiếng Anh và với các mẫu đối thoại nhỏ đã khiến các em hết sức thích thú và say mê hơn trong học tập. Thêm nữa, cô cũng tăng cường tương tác bằng tiếng Anh giữa học sinh – học sinh, và học sinh với giáo viên dựa trên nền tảng mạng xã hội, cùng học tập và trao đổi kiến thức mới.

 Thực ra ý định ban đầu của mình là khuyến khích học sinh để bài viết ở chế độ công khai trên trang đã được lập riêng cho mục đích này để chia sẻ cho tiện, tuy nhiên khi upload video clip lên các em còn ngại, chưa sẵn sàng cho việc chia sẻ công khai nên mình tôn trọng quyết định của các em.

Cô Thùy chia sẻ.  

Để tăng cường hiệu quả của giờ lên lớp với những đổi mới sáng tạo trên, cô Trần Thị Thùy đang nhờ giáo viên người nước ngoài hỗ trợ việc biên tập ngôn ngữ cho các bài viết của học sinh với mong muốn có thể sử dụng một số sản phẩm này để đưa lên trang Facebook cá nhân giới thiệu về du lịch Vĩnh Phúc bằng tiếng Anh (địa điểm bạn có thể đến thăm, món ăn nên thử…), tuy nhiên để làm được như vậy cần có sự đồng ý của học sinh và phụ huynh, và cần thêm thời gian.

 Cô giáo Trần Thị Thùy trong một giờ lên lớp tiếng Anh cho học sinh

Lấy học sinh làm trung tâm

Nhận thấy học sinh thường gặp khó khăn với các kỹ năng sản sinh (productive skills) viết và nói do thiếu cơ hội luyện tập, chưa hình thành phản xạ tốt từ cấp 2. Thời gian học tiếng Anh trên lớp và sĩ số lớp học đông (35 HS/lớp) khiến cơ hội cho tất cả các học sinh được thuyết trình hoặc chữa bài viết trực tiếp chưa nhiều. Do đó, nhiều học sinh chưa đủ tự tin khi nói và viết bằng tiếng Anh. Để khắc phục những hạn chế trên, cô giáo Trần Thị Thùy đã cùng với tổ chuyên môn hình thành một dự án để hiện thực hóa những đối mới sáng tạo của mình.

Cô Thùy cho biết: Chúng tôi chia học sinh theo nhóm dựa trên địa phương trong tỉnh Vĩnh Phúc, giao cho học sinh tìm hiểu về các nét văn hoá đặc trưng của vùng đó (lễ hội, thức ăn đồ uống, kiến trúc đình chùa, quán ăn ngon…). Đồng thời cung cấp cho mỗi nhóm một khoản tiền nhỏ để các em đi thực tế vào cuối tuần.

Kết quả là các em đã rất thích thú, chia nhau thành từng nhóm đi thực tế, chụp hình, quay clip. Sau đó, các nhóm lại viết báo cáo, làm poster rồi thuyết trình bằng tiếng Anh trên lớp, hoặc làm video clip giới thiệu bằng tiếng Anh rồi upload lên trang cá nhân của lớp. Các clip của từng nhóm được trình chiếu và được tập thể lớp nhận xét và chấm điểm cho từng nhóm online, sau đó lớp có buổi chiều cùng ngồi xem clip.

Sau thời gian triển khai thực hiện, cách làm này rất hiệu quả. Học sinh đã hiểu thêm về quê hương mình, có thể tự tin giới thiệu những nét đặc trưng của địa phương với người nước ngoài. Các nội dung các em chọn để tìm hiểu trong project bao gồm vẻ đẹp của quê hương và đặc sản địa phương. Thêm nữa, học sinh cũng nhiệt tình, chủ động trong suốt quá trình thực hiện project.

Cả lớp có 2 buổi xem chung rất thú vị và chia sẻ các sản phẩm gồm poster quảng cáo cho quán trà, một bài viết bình luận về ẩm thực cho món ăn và nhiều clip học sinh tự làm bằng tiếng Anh giới thiệu và phỏng vấn các bạn trẻ về các địa điểm du lịch trong tỉnh. Điều đáng mừng là HS của cô Thùy giờ đây không chỉ tự tin khi giao tiếp, mà còn triển khai các dự án riêng bằng tiếng Anh.

“Sau một thời gian triển khai, học sinh đã dần quen và tự tin hơn khi đứng thuyết trình trước lớp, đặc biệt khi các em có sự hỗ trợ của các thành viên khác trong nhóm về kĩ thuật (chiếu clip minh họa, diễn giải poster). HS không còn sợ học tiếng Anh. Các em đã mạnh dạn tìm tòi về văn hóa vùng quê mình nhiều hơn, bổ sung vốn từ vựng được tốt hơn. Các đối thoại đã đa dạng và phong phú khiến các em có được phản xạ tốt, ngữ pháp chuẩn hơn. Đặc biệt, học sinh đã có nhận thức tích cực hơn về vai trò của tiếng Anh với việc sử dụng để phục vụ một mục đích cụ thể có liên quan đến cuộc sống của các em”.

Cô giáo Trần Thị Thùy