Đầu tháng 11, Mỗ Thùy Linh (20 tuổi, quê Lạng Sơn) cùng ban lãnh đạo Câu lạc bộ tiếng Anh của Đại học Ngoại thương (EC-FTU) lên ý tưởng cho sự kiện "Get together" diễn ra cuối tháng 12. Có được sự tự tin giao tiếp trôi chảy bằng tiếng Anh, Linh cho rằng phần lớn là nhờ hoạt động hai năm tại EC. 

Được thành lập năm 2005, EC hiện hoạt động với 50 thành viên, chia thành bốn ban: Tổ chức, Chuyên môn, Truyền thông và Đối ngoại, hoạt động theo mô hình một startup thu nhỏ phi lợi nhuận. Mô hình này được các thành viên tham khảo và học hỏi từ câu lạc bộ nước ngoài, kết hợp với việc sáng tạo và thay đổi để phù hợp với sinh viên Việt Nam.

Hàng năm, EC có hai sự kiện chính là "Get together" và "Mastermind", được tổ chức với mong muốn nâng cao khả năng tiếng Anh, kiến thức xã hội và nghề nghiệp thực tế, đồng thời kích thích tư duy cho những người tham dự.

"Get together" là chuỗi sự kiện bằng tiếng Anh dành cho thành viên trong và ngoài câu lạc bộ, kéo dài bốn tuần vào khoảng cuối năm. Ban tổ chức sẽ mời những giám khảo có chuyên môn, thường là người của các doanh nghiệp để mô phỏng các buổi phỏng vấn xin việc, sửa CV bằng tiếng Anh cho những sinh viên tham gia.

Diễn ra vào khoảng tháng 3 hàng năm, "Mastermind" là cuộc thi kiến thức xã hội bằng tiếng Anh cho học sinh, sinh viên từ 15 đến 22 tuổi trên địa bàn Hà Nội. Mỗi năm, cuộc thi sẽ có một chủ đề nhất định, 2017-2018 là "Brexit", 2018-2019 là "AI". Thí sinh tham dự lần lượt trải qua bốn vòng, đều xoay quanh chủ đề đã cho để chọn người thắng cuộc.

Ngoài ra, các thành viên EC còn hợp tác với trung tâm tiếng Anh để tổ chức workshop, tọa đàm cho sinh viên, đại diện tham dự các cuộc thi tiếng Anh và tham gia dẫn tour du lịch cho du học sinh nước ngoài đến thăm Việt Nam.

Thành viên CLB tiếng Anh Đại học Ngoại thương giao lưu với các du học sinh nước ngoài. Ảnh: EC-FTU

Thành viên CLB tiếng Anh Đại học Ngoại thương giao lưu với các du học sinh nước ngoài. Ảnh: EC-FTU

Trải nghiệm đáng nhớ nhất của Linh trong thời gian hoạt động tại câu lạc bộ là được làm hướng dẫn viên cho ba du học sinh Nhật đến thăm Hà Nội trong một tuần. Linh cho rằng việc được giao tiếp với người nước ngoài đã giúp bản thân tự tin sử dụng tiếng Anh trong giao tiếp, vốn là điều Linh không giỏi.

Sau hai năm tham gia, vốn tiếng Anh được cải thiện, Thùy Linh đang giữ vị trí Phó chủ tịch của EC. "Mình cảm thấy kỹ năng nghe - nói tiếng Anh của bản thân được nâng cao rõ rệt, không còn thấy sợ khi giao tiếp như trước. EC cũng mang đến cho mình cơ hội có việc làm thêm trong môi trường sử dụng tiếng Anh chuyên nghiệp", Linh nói. Tự tin với khả năng ngoại ngữ, sắp tới, nữ sinh đăng ký tham dự thi IELTS, đặt mục tiêu 7.5.

Không hoạt động theo mô hình startup, tập trung tổ chức sự kiện bằng tiếng Anh như EC, câu lạc bộ dịch thuật tiếng Anh trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội (ETIC) được thành lập năm 2011 với hoạt động chính là dịch bài cho trang web tiếng Anh của trường, giúp thành viên trau dồi khả năng dịch.

Nguyễn Học Bách, cựu chủ nhiệm ETIC, chia sẻ câu lạc bộ tổ chức hoạt động rèn luyện cho các thành viên vào thứ ba hàng tuần. Những bạn được phân công chủ trì buổi sinh hoạt phải lên ý tưởng, thông báo chủ đề cho thành viên khác và chuẩn bị nội dung tài liệu dịch. Buổi sinh hoạt sẽ chia làm hai phần chính, phần một là trò chơi từ vựng để khởi động, phần hai là luyện dịch.

Bách giải thích, hoạt động dịch có hai dạng, biên dịch (dịch chữ) và phiên dịch (dịch nói). Về biên dịch, các thành viên sẽ được chia thành các nhóm, mỗi nhóm cử ra một tổ trường. Nội dung dịch sẽ được tổ trưởng chia đều cho các thành viên. Mọi người vừa dịch vừa kiểm tra chéo và thảo luận về các thuật ngữ khó, sau đó tổ trưởng tổng hợp bản hoàn chỉnh cuối cùng. Về phiên dịch, các thành viên sẽ được nghe từng đoạn và dịch lại bằng tiếng Việt, từ đó luyện phản xạ nhanh nhạy và kỹ năng ghi nhớ.

Mỗi năm, câu lạc bộ tổ chức một buổi workshop chia sẻ kinh nghiệm dịch thuật hoặc kinh nghiệm học tiếng Anh với diễn giả là các thầy cô trong trường. Đối tượng tham dự là các bạn sinh viên trên địa bàn Hà Nội có mối quan tâm đến dịch và học ngoại ngữ.

Cùng hoạt động trong ETIC, Vũ Thu Thảo là thành viên khiến Bách vô cùng ấn tượng. Khi mới tham gia, Thảo biên dịch chưa trôi chảy, phiên dịch còn nhiều vấp váp. Thảo tích cực cải thiện khả năng của bản thân bằng cách tích cực tham gia các buổi sinh hoạt, chương trình do câu lạc bộ tổ chức và tự ôn luyện tại nhà.

Sau hơn một năm rèn luyện, Thảo hiện có thể tự tin dịch thuật tài liệu chuyên ngành, được mọi người tín nhiệm trở thành chủ nhiệm ETIC. Nữ sinh cũng làm thêm công việc dịch thuật cho nhiều công ty liên kết nước ngoài và các tổ chức xã hội.

Với Câu lạc bộ tiếng Anh Đại học Kinh tế Quốc dân (EEC), các thành viên mong muốn tạo ra một môi trường để người trẻ trau dồi trình độ ngoại ngữ, Mai Thu Trang, chủ nhiệm EEC, chia sẻ. Được thành lập năm 2000, EEC hiện có hơn 100 thành viên, mỗi năm tuyển mới từ 30 đến 50 người, chia vào bốn ban gồm Chuyên môn, Chương trình, Nhân sự, và Truyền thông - Đối ngoại. 

Trang cho biết mỗi tháng, EEC sẽ tổ chức hai buổi giao lưu dành cho sinh viên nhà trường, tạo cơ hội thực hành tiếng Anh từ cơ bản đến học thuật như rèn luyện kỹ năng giao tiếp, đàm phán, sử dụng tiếng Anh trong các công việc liên quan đến kinh tế...

"Mỗi tháng chỉ tổ chức hai buổi nhưng các thành viên thường mất nhiều thời gian lên ý tưởng, kịch bản để nội dung chương trình hấp dẫn, sinh động nhất có thể", Trang nói.

Hàng tháng, câu lạc bộ sẽ có một chủ đề riêng để thực hành thông qua hoạt động chơi trò chơi, hội thoại theo tình huống giả định. Các thành viên sẽ chia vào các nhóm, có nhiệm vụ truy tìm kho báu dựa theo bản đồ và các mật thư gợi ý. Tất cả hoạt động và người chơi được yêu cầu trò chuyện bằng tiếng Anh, nếu vi phạm quy định sẽ bị phạt. Sau khi kết thúc, các thành viên tập trung để tổng kết kiến thức có được trong trò chơi và tổ chức liên hoan.

Một buổi sinh hoạt của CLB tiếng Anh Đại học Kinh tế quốc dân. Ảnh EEC

Một buổi sinh hoạt của CLB tiếng Anh Đại học Kinh tế quốc dân. Ảnh EEC

Ngoài ra, EEC còn tổ chức hai buổi rèn luyện tiếng Anh trong tháng. Các thành viên sẽ tự lên nội dung thực hiện và tự thuyết trình về lĩnh vực quan tâm. Trong quá trình rèn luyện, nếu có khúc mắc, các bạn sẽ soạn câu hỏi gửi giảng viên cố vấn hoặc các anh chị giàu kinh nghiệm.

Trên cương vị chủ nhiệm, Trang ấn tượng nhất với Thu Ngân, cùng tham gia EEC. Thời gian đầu, Ngân rất nhút nhát, ít nói, không thể diễn đạt ý tưởng cho thành viên trong các buổi rèn luyện dù vốn tiếng Anh không quá tệ. Sau ba năm, Ngân đã cải thiện khả năng giao tiếp, trở thành người đề xuất ý tưởng chính cho các hoạt động ngoại khóa của câu lạc bộ và đạt 7.5 điểm IELTS.

"EEC là một trong những câu lạc bộ phát triển mạnh tại trường Kinh tế quốc dân với nhiều hoạt động, phong trào tích cực, sáng tạo. Đây là môi trường giúp các bạn sinh viên nhà trường trau dồi và rèn luyện kỹ năng tiếng Anh và các kỹ năng mềm khác", Ngô Tuấn Sơn, Chủ tịch Hội sinh viên Đại học Kinh tế quốc dân, đánh giá.