Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại Lễ phát động

Lễ phát động còn có sự tham gia của đại diện một số Sở GD&ĐT các tỉnh khu vực phía Bắc, một số trường phổ thông và đại học trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Thực hiện kế hoạch năm học 2018-2019 của Công đoàn GD Việt Nam; sự chỉ đạo của Ban Cán sự Đảng Bộ GD&ĐT và của Tổng LĐLĐ VN, Công đoàn GD Việt Nam đã xây dựng và ban hành Kế hoạch “Nâng cao năng lực ứng xử sư phạm, đạo đức nhà giáo, người lao động (NGNLĐ) đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới”.

Mục đích của Kế hoạch là hỗ trợ, tăng cường nhận thức và năng lực nghề nghiệp cho nhà giáo người lao động (NGNLĐ) ở các trường học, góp phần giảm thiểu, tiến tới chấm dứt hiện tượng nhà giáo trong ngành có những hành vi ứng xử không phù hợp, vi phạm đạo đức nhà giáo.

Ông Vũ Minh Đức - Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam phát biểu tại buổi lễ

Với việc xác định 3 nhiệm vụ, cùng với các giải pháp cụ thể, việc triển khai Kế hoạch này sẽ giúp các nhà trường và công đoàn cơ sở trường học có sự phối hợp chặt chẽ để động viên, hỗ trợ thầy cô giáo có cách làm phù hợp, hiệu quả trong việc ứng xử các tình huống sư phạm, trong giáo dục học sinh, trong các mối quan hệ, đảm bảo các quy định về đạo đức nhà giáo, nêu gương tốt về tác phong người thầy…

Với thông điệp: Các cán bộ quản lý, các thầy cô giáo hãy thay đổi để hướng đến môi trường sư phạm lành mạnh, văn minh, thân thiện với giá trị cốt lõi: “Yêu thương, an toàn và tôn trọng”. Đó là Trường học hạnh phúc – kết quả được tạo bởi các hành vi ứng xử chuẩn mực của những thầy cô có đạo đức trong sáng, lòng yêu nghề và sự tận tâm tận lực với học sinh, tâm huyết với sự nghiệp trồng người.

Trong lễ phát động, Công đoàn GD Việt Nam đề nghị các thầy giáo, cô giáo: Không ngừng tự mình trang bị cho mình, đồng thời giúp đồng nghiệp có những hiểu biết nhiều hơn nữa, sâu sắc hơn nữa những quy định, quy phạm về trách nhiệm và quyền hạn của người giáo viên để từ đó có thể thực hiện nhiệm vụ giáo dục một cách hiệu quả và đúng quy định;

Tích cực tự học tập, tự rèn luyện và hỗ trợ đồng nghiệp cùng học tập rèn luyện, bổ sung những kỹ năng nghiệp vụ để vững vàng hơn khi đối mặt và xử lý những tình huống sư phạm, tình huống xã hội trong và ngoài nhà trường đang diễn ra ngày càng đa dạng, phức tạp.

Mỗi nhà giáo hãy biến những khó khăn, thách thức trong lao động nghề nghiệp trở thành những cơ hội để khẳng định phẩm chất năng lực của bản thân trước phụ huynh, trước đồng nghiệp và học trò. Cùng nhau lan tỏa những điều tốt đẹp, những tấm gương nhà giáo mẫu mực, tâm huyết và sáng tạo trên hành trình của sự nghiệp giáo dục...

Học sinh Trường THPT Phan Huy Chú hưởng ứng lễ phát động

Bộ trưởng nhấn mạnh 3 tiêu chí quan trọng để xây dựng trường học hạnh phúc đó là: yêu thương, an toàn và tôn trọng. Yêu thương trước hết là sự quan tâm giữa các thầy, cô giáo với nhau, giữa học sinh với học sinh và giữa giáo viên với học sinh. Từ sự quan tâm đó sẽ là sự chia sẻ, hỗ trợ các em trong học tập và cuộc sống.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ

Phát biểu tại buổi Lễ, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ ghi nhận và biểu dương Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã chủ động, tích cực tham gia cùng với Ngành nâng cao năng lực, đạo đức nhà giáo bằng các giải pháp phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn, thiết thực và khả thi.

Bộ trưởng cũng đề nghị lãnh đạo các Sở GD&ĐT, các nhà trường nhanh chóng vào cuộc, phối hợp chặt chẽ với Công đoàn GD các cấp triển khai thực hiện thành công Kế hoạch này.

Bộ trưởng nhấn mạnh an toàn về tinh thần là rất quan trọng vì sự tổn thương về tinh thần còn nghiêm trọng hơn tổn thương về thể xác. Bộ trưởng cũng lưu ý: Chúng ta cần tôn trọng lẫn nhau và tôn trọng sự khác biệt của nhau.

Đây là một trong những hoạt động trọng tâm trong năm học 2018-2019 và những năm tiếp theo nhằm giúp cho đội ngũ giáo viên vững tâm hơn, yên tâm hơn và sẵn sàng tiếp cận tích cực với chủ trương đổi mới.