Tiết học với giáo viên người nước ngoài.jpg

iết học với giáo viên người nước ngoài của lớp tiếng Anh tăng cường Trường THCS Lê Mao (TP Vinh). (Ảnh chụp khi chưa bùng phát dịch Covid-19)

Tỷ lệ học sinh học chương trình ngoại ngữ hệ 10 năm còn thấp, nhất là cấp THPT. Nhiều địa phương thiếu trầm trọng giáo viên bộ môn này. Trong khi đó, Chương trình GDPT 2018, ngoại ngữ là môn bắt buộc từ lớp 3. 

Tạo cơ chế mở trong nhà trường

Sau nhiều năm triển khai đề án Ngoại ngữ 2020, kết quả đạt được tại Nghệ An vẫn khiêm tốn. Số đơn vị dạy học tiếng Anh hệ 10 năm còn thấp, chủ yếu dạy chương trình 7 năm. Tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn quốc tế về năng lực ngoại ngữ để triển khai chương trình ngoại ngữ mới chưa cao. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học mới đáp ứng ở mức tối thiểu. Việc khai thác, sử dụng ở một số đơn vị còn chưa hiệu quả.

Những năm qua, số lượng trung tâm ngoại ngữ trên địa bàn tăng nhanh, mở rộng với hơn 100 đơn vị, nhưng chủ yếu tập trung ở thành thị, trung tâm các huyện, chưa có sự kết nối với các nhà trường. Công tác xã hội hóa để tăng cường cơ sở vật chất, xây dựng môi trường dạy học ngoại ngữ trong nhà trường chưa hiệu quả.

Trước thực tế này, Sở GD&ĐT Nghệ An tham mưu UBND tỉnh ban hành đề án “Nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030”. Từ năm học 2020 – 2021, đề án trên chính thức triển khai với nhiều giải pháp đồng bộ như: Triển khai chương trình tiếng Anh tăng cường với học sinh tiểu học và THCS ở một số địa phương. Bồi dưỡng, nâng cao năng lực đội ngũ sư phạm. Xã hội hóa giáo dục để thu hút nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất cũng như bổ sung giáo viên ngoại ngữ cho các trường học...

Mục tiêu nhằm tạo bước đột phá về chất lượng dạy và học ngoại ngữ cho các cấp học và trình độ đào tạo; xây dựng môi trường dạy học và sử dụng ngoại ngữ trên địa bàn. Từng bước nâng cao năng lực sử dụng ngoại ngữ cho học sinh, sinh viên theo chuẩn quốc tế đối với các cấp học phổ thông và ngành đào tạo. Góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nguồn nhân lực trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Đề án cũng đã mở ra cơ chế cho các trung tâm phối hợp với các nhà trường để tổ chức dạy học ngoại ngữ, bù đắp sự thiếu hụt về giáo viên cũng như cơ sở vật chất. Đô Lương là huyện có nhiều xã vùng nông thôn, bán sơn địa, điều kiện dạy học tiếng Anh khó khăn. Nhưng năm học vừa qua, 7 trường THCS đã phối hợp với các trung tâm Anh ngữ để triển khai chương trình tiếng Anh tăng cường. Đồng thời thí điểm ở một số trường mầm non và trường tiểu học.

Còn tại TP Vinh, mới năm đầu triển khai, nhưng số học sinh đăng ký vượt chỉ tiêu. Hiện đã có 23 trường tiểu học và THCS triển khai chương trình tiếng Anh tăng cường với 54 lớp và 3.000 học sinh tham gia. Bà Hoàng Phương Thảo – Trưởng phòng GD&ĐT thành phố cho biết:

Các lớp tiếng Anh tăng cường phải có chương trình rõ ràng, tiêu chuẩn đầu vào và cam kết đầu ra với học sinh tham gia chương trình. Học sinh ngoài học theo chương trình phổ thông sẽ được tăng cường thêm các buổi học với các trung tâm ngoại ngữ do giáo viên nước ngoài trực tiếp giảng dạy. Với cách làm này, hướng đến dạy thật, học thật, nâng cao chất lượng thật.

Nghệ An sẽ rà soát giáo viên.jpg

Nghệ An sẽ rà soát giáo viên ngoại ngữ để có hình thức bồi dưỡng, tập huấn phù hợp.

Tín hiệu tích cực từ “vùng trũng”

Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tỉnh Nghệ An vừa qua, lớp 9G Trường THCS Đặng Thai Mai (TP Vinh) Nghệ An đóng góp 3 thủ khoa. Trong đó, em Nguyễn Thị Chi Mai là thủ khoa toàn tỉnh với 48,1 điểm (Tiếng Anh 9,6 điểm, Toán 10 điểm và Ngữ văn 9,25 điểm). Em Võ Thị Ngọc Linh là thí sinh duy nhất của tỉnh đạt điểm tuyệt đối môn tiếng Anh, và đạt tổng 45,6 điểm thi vào lớp 10, lọt vào top 4 Trường THPT chuyên Phan Bội Châu. Còn Trần Ngọc Vân Trang - thủ khoa đầu vào lớp chuyên Anh (Trường THPT chuyên Phan Bội Châu).

Đặc biệt, cả 3 bạn trước khi thi tuyển sinh vào lớp 10, là đều thi đạt chứng chỉ Ielts điểm cao. Chi Mai và Ngọc Linh cùng đạt 7,5 còn Vân Trang đạt 8. Trường THCS Đặng Thai Mai là trường trọng điểm chất lượng cao của TP Vinh. Nhưng trước đó, ít có học sinh học và thi lấy chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế. Chỉ 2 năm gần đây, phong trào này mới phát triển, thu hút nhiều học sinh tham dự.

Điều này xuất phát từ chủ trương của Sở GD&ĐT triển khai từ năm học 2020 – 2021. Cụ thể, ưu tiên tuyển thẳng đầu cấp vào Trường THCS Đặng Thai Mai (TP Vinh), Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng... đối với học sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế theo quy định.

Năm đầu tiên triển khai, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu tuyển thẳng 1 lớp tiếng Anh cho thí sinh đạt IELTS từ 6,5 trở lên, nhưng chưa đủ chỉ tiêu 35 em. Nhưng chỉ sau 1 năm, số hồ sơ tăng vượt bậc. UBND tỉnh quyết định cho phép nhà trường được tuyển sinh thêm 1 lớp, để tạo điều kiện, cơ hội học tập cho những em có năng lực nổi trội về tiếng Anh.

Bên cạnh đó, Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (TP Vinh) cũng tuyển thẳng 1 lớp tiếng Anh 35 em có điểm IELTS từ 4,5 trở lên.

Không chỉ ở thành phố, học sinh các trường THPT ở khu vực nông thôn cũng chú trọng học và “sắm” chứng chỉ ngoại ngữ để được ưu tiên trong tuyển sinh ĐH, CĐ. Đơn cử, Trường THPT Anh Sơn 1 (huyện Anh Sơn) ở địa bàn miền núi, nhưng có tới gần 10 em đạt chứng chỉ IELTS từ 4,5 trở lên, trong đó có em đạt 7.

So với nhiều địa phương khác, điểm thi ngoại ngữ của Nghệ An vẫn còn thấp. Trong tỉnh, tiếng Anh có kết quả thấp nhất tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT so với các môn khác.

“Năm nay, điểm trung bình thí sinh cả tỉnh đối với môn này là 4,95. Mặc dù còn khiêm tốn, nhưng so với năm học trước đã tăng tới 0,96 điểm. Đây là tín hiệu mừng, phản ánh chất lượng dạy học ngoại ngữ mũi nhọn cũng như đại trà trong trường học có chuyển biến tích cực”, ông Đào Công Lợi – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An thông tin.

Hiện công tác tuyển sinh đầu vào lớp 10 của Nghệ An đang áp dụng 3 môn thi: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ. Trong đó điểm Toán và Văn nhân hệ số 2, Ngoại ngữ hệ số 1. Tuy nhiên, Sở GD&ĐT dự kiến, thời gian tới có thể, thay đổi cách tính tương đồng nhau, hoặc tiếng Anh được tính hệ số 2, để khuyến khích nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ.

Giờ ngoại khóa giao lưu.jpg

Giờ ngoại khóa giao lưu tiếng Anh tại Trường THPT Anh Sơn 1 (huyện Anh Sơn).

Rà soát, nâng cao chất lượng đội ngũ

Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT Nghệ An, những năm qua, việc chỉ đạo tổ chức dạy học ngoại ngữ chương trình 10 năm trên địa bàn chưa đảm bảo yêu cầu đồng bộ, liên thông giữa các cấp trên địa bàn. Ngoài ra, việc dạy và học tiếng Anh đang có chênh lệch khá lớn giữa các vùng miền. Đối với khu vực miền núi cao, bậc tiểu học đang thiếu giáo viên tiếng Anh trầm trọng.

Huyện Kỳ Sơn, Nghệ An có 33 trường có học sinh tiểu học, nhưng chỉ có 6 trường có phòng học và giáo viên dạy tiếng Anh. Đây cũng địa phương đi đầu của tỉnh trong việc dồn học sinh lớp 3, 4, 5 từ điểm lẻ về trường chính ở bán trú. Dự kiến đến năm học 2022 – 2023 sẽ phủ kín. Mục đích để tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất để tất cả học sinh được tiếp cận môn ngoại ngữ. Nhưng nhiều năm qua, dù có biên chế những huyện biên giới này vẫn không tuyển đủ giáo viên tiếng Anh.

“Sinh viên tốt nghiệp sư phạm Tiếng Anh hiện nay có thể dễ dàng tìm kiếm công việc ở thành phố lớn với thu nhập tốt. Vì vậy, vùng cao rất khó thu hút giáo viên bộ môn này. Để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên tiếng Anh, Phòng tham mưu với huyện đề xuất UBND tỉnh có cơ chế thu hút sinh viên sư phạm Ngoại ngữ là người địa phương. Điều kiện là sau khi tốt nghiệp phải quay về quê hương dạy học, và được đảm bảo chế độ, quyền lợi”, ông Phan Văn Thiết – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Kỳ Sơn nói.

Về vấn đề này, ông Thái Văn Thành – Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An khẳng định: Khâu tuyển dụng giáo viên, nhất là giáo viên cho các huyện miền núi đang là vấn đề cấp thiết nhất. Công tác tuyển dụng được thực hiện theo kế hoạch phê duyệt, trong đó chính sách ưu tiên cho sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, hoặc có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế. Khi đã tuyển đủ, Sở sẽ có kế hoạch bồi dưỡng, nâng cao năng lực giảng dạy cho giáo viên để đáp ứng được yêu cầu.

Theo kế hoạch, từ tháng 8/2021 đến tháng 3/2022, Sở GD&ĐT Nghệ An sẽ tổ chức khảo sát năng lực giáo viên trong cơ sở giáo dục phổ thông và GDTX trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Riêng giáo viên đã có chứng chỉ quốc tế được quy đổi đạt chuẩn theo quy định của cấp học, còn hiệu lực, thì không phải tham gia khảo sát.

Ông Thái Văn Thành cho hay, việc khảo sát năng lực giáo viên tiếng Anh sẽ do Sở phối hợp với một đơn vị kiểm định độc lập triển khai. Đơn vị này có đủ năng lực và tư cách pháp lý để tổ chức thi và cấp chứng chỉ quốc tế.

Mục đích nhằm khảo sát năng lực giáo viên tiếng Anh trong các cơ sở giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên. Qua đó có cơ sở xây dựng kế hoạch tổ chức bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu dạy học theo quy định và việc đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (GDPT 2018). Kết quả khảo sát cũng là cơ sở để lựa chọn những giáo viên tiếng Anh có trình độ, năng lực tốt làm cốt cán cho ngành Giáo dục Nghệ An.

Chi phí khảo sát được trích từ nguồn ngân sách Nhà nước bố trí hàng năm cho sự nghiệp giáo dục đào tạo và giáo dục nghề nghiệp. Kết quả không được đưa vào để đánh giá xếp loại hay thi đua cuối năm đối với giáo viên. Tuy nhiên, đây là căn cứ để ngành phân tích trình độ giáo viên tiếng Anh phổ thông và GDTX trên  địa bàn đang ở mức nào. Qua đó, xây dựng kế hoạch và lộ trình bồi dưỡng chất lượng giáo viên tiếng Anh phù hợp.

Ngành cũng tập trung xây dựng đội ngũ giáo viên tình nguyện, có tinh thần phục vụ cộng đồng để hỗ trợ các cơ sở giáo dục vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cụ thể đã thí điểm mô hình ngoại ngữ cộng đồng tại xã biên giới Môn Sơn, huyện Con Cuông.

Sở GD&ĐT Nghệ An đã tham mưu UBND tỉnh ban hành đề án “Nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030”. Sau năm đầu triển khai đồng bộ các giải pháp, kết quả dạy học ngoại ngữ tại Nghệ An đạt được nhiều tín hiệu tích cực cả về mũi nhọn lẫn đại trà.