Giáo viên là chủ thể

Kinh nghiệm từ bản thân cho thấy nhận thức chưa rõ sẽ dẫn tới một kế hoạch hay chương trình bồi dưỡng phiến diện, không sát thực tế. Tiếng Anh có lợi thế là môn học được cả thế giới quan tâm, chuyên ngành lý luận và phương pháp giảng dạy tiếng Anh được nghiên cứu và phát triển sâu rộng.

Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020 cũng đã ban hành Khung năng lực giáo viên tiếng Anh theo đó năng lực sư phạm của GVTA được hệ thống và mô tả đầy đủ. Khung năng lực này đã có thể sử dụng làm cơ sở cho việc đào tạo và bồi dưỡng giáo viên tiếng Anh.

Tôi nghĩ các nhà sư phạm Việt nam đầy đủ kiến thức và kỹ năng để làm được một việc tương tự như thế đối với các ngành học khác.

Bảo đảm phương châm giáo viên là chủ thể của việc giữ vững và nâng cao năng lực sư phạm của mình và vai trò của người phụ trách chuyên môn chủ yếu là “khuyến khích và hỗ trợ giáo viên tự chủ trong bồi dưỡng”.

“Năng lực sư phạm” là một sản phẩm đặc thù của từng cá thể GV, luôn chịu tác động của các yếu tố kinh tế xã hội và chỉ phát triển được khi bản thân GV có nhu cầu tự hoàn thiện, có lòng tự trọng và say mê nghề nghiệp.

Khuyến khích và hỗ trợ giáo viên

TS Hà Văn Sinh
Tôi cho rằng giải pháp gì cũng phải từ sự thống nhất quan điểm “khuyến khích và hỗ trợ GV tự chủ trong việc thường xuyên bồi dưỡng”.

Cần thiết phải có các giải pháp khuyến khích bằng cơ chế-chính sách, tổ chức các khóa học giúp cán bộ quản lý biết cách thiết kế - triển khai kế hoạch “khuyến khích & hỗ trợ” của đơn vị, các khóa tập huấn giúp giáo viên tự xây dựng “năng lực tự chủ bồi dưỡng”.

Cấp bộ ngành thì có thể hỗ trợ bằng việc tổ chức các hội thảo giới thiệu – trao đổi – học hỏi ý tưởng và kinh nghiệm về những vấn đề ngoài khả năng tiếp cận của giáo viên và cán bộ quản lý của cơ sở.

Đề án 2020 đã có nhiều hoạt động, dự án để thúc đẩy công tác bồi dưỡng giáo viên các cấp; những hỗ trợ rất thiết thực như xây dựng các dự án bồi dưỡng, kết nối và tài trợ để giáo viên tiếng Anh Việc Nam được bồi dưỡng bởi những tổ chức quốc tế chuyên nghiệp.

Phương thức và nội dung tổ chức các khóa bồi dưỡng cần bảo đảm các yếu tố “thực tế” - “gắn liền với lớp học của GV, phải được trải nghiệm và phản hồi ngay tại lớp học” để tránh tình trạng xảy ra lâu nay như đa phần các giáo viên phản hồi: “ý tưởng thì hay nhưng không áp dụng được”.

Chính sách cũng là một biện pháp rất quan trọng: giáo viên có NLSP cao phải được trọng dụng, được đối xử sao cho họ cảm thấy nhu cầu hoàn thiện cá nhân của mình được đánh giá cao bằng cả vật chất và tinh thần.

Nếu chính sách không có sự phân biệt giữa người có được NLSP cao qua thường xuyên tự bồi dưỡng với người có NLSP thấp thì sẽ không tạo ra được môi trường thúc đẩy sự tự chủ trong bồi dưỡng năng lực.