Khơi nguồn cảm hứng

Sinh năm 1978, năm 2000 cô Nguyễn Thị Ly Nga tốt nghiệp Trường ĐH Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội) và về giảng dạy môn Tiếng Anh tại Trường THPT Phúc Thọ (Hà Nội). Cô quan niệm: GV không phải là người truyền đạt kiến thức mà phải là người khơi nguồn cảm hứng học tập cho HS; đồng thời hướng dẫn HS cách lĩnh hội kiến thức một cách hiệu quả nhất. Vì vậy, trong công tác giảng dạy, cô thực hiện nhiều mô hình, sáng kiến và linh hoạt trong sử dụng các phương tiện, phương pháp dạy học thích hợp với nhiều đối tượng HS.

Cô Ly Nga chia sẻ: GV là người hướng dẫn HS và giúp các em chủ động trong các hoạt động học tập (tìm cách tiếp cận với bài học, xây dựng bài tập cho mình và các bạn). Sau mỗi bài học, HS được yêu cầu tự lập một sơ đồ tư duy tóm tắt những gì đã học và soạn bài tập. GV sẽ chỉnh sửa bài của HS để thành tư liệu chung cho cả lớp.

“Nhằm tạo không khí thi đua trong học tập, tôi sử dụng phiếu điểm thưởng trong các giờ dạy của mình. Những HS phát biểu từ 5 lần trở lên trong một tiết học sẽ nhận một phiếu điểm thưởng. Phiếu này dùng để cộng điểm trong các bài kiểm tra định kì. Nhờ sáng kiến này, HS luôn tích cực phát biểu xây dựng bài, giờ học luôn sôi nổi, đồng thời việc đánh giá HS trở nên chính xác hơn” – cô Ly Nga bật mí, đồng thời cho biết: Để giúp các HS yếu, cô tổ chức các nhóm bạn cùng tiến, cứ 2 bạn học khá giỏi giúp đỡ một bạn học yếu. Hàng tuần cô đều kiểm tra sự tiến bộ của HS và có biện pháp động viên tích cực.

Ngoài ra, để tạo hứng thú cho HS và cho chính bản thân mình, cô Ly Nga luôn tìm cách thiết kế lại các hoạt động trong sách giáo khoa sao cho phù hợp với đối tượng HS của từng lớp. Mỗi lớp sẽ có các hoạt động khác nhau cho mỗi nội dung trong bài học. Các nhiệm vụ trong sách giáo khoa sẽ được HS tự thực hiện theo cá nhân hoặc các hình thức hoạt động nhóm. Đến lớp, HS sẽ thực hiện các nhiệm vụ mới. Điều này sẽ khiến các em luôn mong chờ và hứng thú với các giờ học.

Theo cô Ly Nga, dạy - học ngoại ngữ chưa bao giờ là dễ, nhất là ở vùng nông thôn. “Chúng tôi gặp nhiều khó khăn, từ quan niệm của phụ huynh vì họ cho rằng, đây không phải môn học quan trọng cho đến thiếu thốn tài liệu tham khảo. Do đời sống vùng nông thôn còn khó khăn nên không phải HS nào cũng có điều kiện mua sách tham khảo hay mua các khóa học online để cải thiện vốn tiếng Anh của mình.

Nhưng khó khăn lớn nhất chính là thiếu môi trường giao tiếp bằng tiếng Anh. Cả cô và trò rất ít khi được tiếp xúc với người nước ngoài để cải thiện khả năng giao tiếp tiếng Anh. HS có thể khá về từ vựng và ngữ pháp nhưng còn rụt rè, nhút nhát khi giao tiếp” – cô Ly Nga chia sẻ.

Học sinh là con, là bạn

Cô giáo Nguyễn Thị Ly Nga. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Khắc phục những khó khăn trên, cô Ly Nga tham mưu với Ban giám hiệu và kết nối với một trung tâm dạy tiếng Anh có GV nước ngoài trong khu vực tham gia giảng dạy. Họ đã giúp cô – trò tổ chức hoạt động Câu lạc bộ nói tiếng Anh. HS được đăng kí tham gia tự nguyện và miễn phí hoàn toàn. Trong chương trình, HS được giao lưu với GV nước ngoài nên khả năng giao tiếp của các em dần dần cải thiện. Các em trở nên tự tin hơn trong các hoạt động thuyết trình ở lớp. Chương trình thực hiện hàng tháng và nhận được những phản hồi tích cực từ HS.

Ngoài ra, với vai trò tổ trưởng chuyên môn, cô cùng với các thành viên tổ chức chương trình “English Festival” hai năm một lần. Tham gia vào chương trình, HS được thể hiện khả năng thuyết trình, hát, diễn kịch hoàn toàn bằng tiếng Anh. Chương trình giúp HS có thêm niềm đam mê với môn học này.

Để HS cảm thấy hạnh phúc mỗi giờ lên lớp, GV còn đóng vai trò như một nghệ sĩ. Khi đã bước vào lớp, GV cần nhập đúng vai trò của mình và để lại mọi lo lắng, vui buồn của cuộc sống riêng tư ra bên ngoài lớp học.

Cô Nguyễn Thị Ly Nga

Cô Ly Nga cho rằng: GV nên ứng xử với HS vừa như con, vừa như bạn của mình. Khi GV coi HS như con, có thể chỉ bảo, uốn nắn, bao dung, tha thứ lúc các em mắc khuyết điểm; đồng thời động viên, khen thưởng nếu các em đạt thành tích tốt. Còn khi HS gặp khó khăn, trắc trở ở tuổi mới lớn, GV cần coi các em như những người bạn tâm giao, để có những lời khuyên hữu ích.

Kỉ niệm đáng nhớ nhất mà cô Ly Nga nhớ mãi là lần đóng vai trò hòa giải giữa HS và phụ huynh. Đó là một nam HS có tình cảm với một HS nữ.

“Tôi biết và cũng thường theo dõi, nhắc nhở để các em không lơ là việc học và không đi quá giới hạn. Tuy nhiên, khi bố mẹ bạn HS nam biết chuyện đã có những lời lẽ xúc phạm đôi bạn này và ngăn cấm một cách quyết liệt. Bạn HS nam trở nên tuyệt vọng, không trò chuyện với bố mẹ và định bỏ học. Khi đó, tôi đã đến gặp gia đình em, phân tích để bố mẹ em hiểu hơn về tâm, sinh lý tuổi mới lớn và cách ứng xử sao cho tế nhị, phù hợp với các con.

Thật may là mọi chuyện dần trở nên tốt đẹp, cha mẹ và con cái đã nói chuyện với nhau, hai em đều đỗ vào trường đại học mà các em mong muốn. Giờ đây hai HS này vẫn thường xuyên liên lạc và đến thăm tôi mỗi dịp 20/11” – cô Ly Nga chia vui.