Cô giáo Nguyễn Thị Mỹ Kiều, sinh năm 1987, hiện đang là giáo viên bộ môn Tiếng Anh tại trường TH&THCS Trần Phú ở xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông. 12 năm gắn bó với nghề giáo, cô đã gặt hái được nhiều thành tích trong công tác giảng dạy, đóng góp cho giáo dục ở vùng sâu, vùng xa.

Bên cạnh những thành tích trong các phong trào thi đua dạy và học, năm 2020 vừa qua, cô đã được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo trao tặng bằng khen "Đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua đổi mới sáng tạo trong dạy và học".

Trong thời gian tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, cô Mỹ Kiều tiếp tục có nhiều sáng kiến, đổi mới trong phương pháp giảng dạy, thích ứng với dịch bệnh. Từ đó, cô  trở thành một trong 50 giáo viên tiểu biểu xuất sắc được tuyên dương trong chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô".

Mở lớp dạy thêm online tiếng Anh miễn phí qua Zoom cho học sinh dân tộc thiểu số

co-giao-nguyen-thi-my-kieudocx-1636965505877.png

Trò chuyện cùng phóng viên Dân trí, cô Mỹ Kiều tâm sự, vì tình hình dịch bệnh diễn ra ngày càng phức tạp đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc dạy và học của thầy trò nhà trường. Để thích ứng với tình hình, cô cùng các giáo viên khác luôn sẵn sàng chuẩn bị các phương án dạy học.

Không chỉ riêng giáo viên, học sinh cũng gặp nhiều khó khăn trong học tập khi hầu hết các em trên địa bàn xã Đắk Ngo không có đầy đủ trang thiết bị và mạng Internet phục vụ học tập. Các thầy cô giáo vừa phải dạy online vừa phải dạy trực tiếp cho những em không đủ điều kiện, trong khi lực lượng giáo viên của nhà trường lại rất thiếu.

Mặc dù ở thời điểm hiện tại, nhà trường đã tiến hành triển khai việc học tập trung, song với số lượng học sinh và số lớp nhiều, trong khi lại thiếu giáo viên môn tiếng Anh, bản thân cô phải dạy nhiều tiết, ảnh hưởng lớn đến chất lượng dạy và học.

Cô Mỹ Kiều không ngại thú nhận, bản thân cô cảm thấy áp lực khi phải "gồng mình" với số tiết dạy nhiều, áp lực tìm cách để làm sao học sinh không bị bỏ lại và tụt lại phía sau. Nhưng cô không cảm thấy chán nản, hay muốn lùi bước mà ngược lại còn được tiếp thêm ngọn lửa nhiệt huyết với nghề.

co-giao-nguyen-thi-my-kieudocx-1636965506128.png

Theo cô Mỹ Kiều, tiếng Anh là một môn học khó đối với tất cả các em học sinh, đặc biệt là với các học sinh dân tộc thiểu số. Hầu hết đến lớp 6, nhiều em vẫn chưa thể đọc và viết lưu loát tiếng Việt nên tiếng Anh càng trở nên khó hơn.

Ngoài ra, việc tiếp thu kiến thức của các em có sự chênh lệch giữa các học sinh, đặc biệt giữa các em đồng bào dân tộc thiểu số với người Kinh, nên giáo viên phải luôn tìm cách cân bằng, giúp đỡ các em hòa nhập trong lớp.

"Tôi tận dụng "thời gian vàng" học trực tiếp trên lớp để dạy nội dung cơ bản, tạo không khí vui vẻ trong mỗi tiết học, học tiếng Anh qua bài hát, học từ vựng qua các câu chuyện vui, hoặc các trò chơi bằng tiếng Anh để các bạn làm quen với môn học.

Để các em có thêm thời gian luyện tập, tôi thường dành những ngày nghỉ cuối tuần để kèm và phụ đạo các học sinh trung bình, yếu hoàn toàn miễn phí. Tôi cũng kết hợp với Liên đội tổ chức thường xuyên các hoạt động "học mà chơi, chơi mà học", tạo cơ hội cho các em tiếp xúc với môn tiếng Anh thông qua hoạt động của CLB, hay các cuộc thi nhỏ…".

Trong thời gian nghỉ dịch, cô Mỹ Kiều đã quyết định mở lớp học giao tiếp tiếng Anh online miễn phí qua phần mềm Zoom cho đối tượng các em học sinh dân tộc thiểu số và gia đình có hoàn cảnh khó khăn thuộc xã Đắk Ngo.

"Mỗi ngành nghề đều có khó khăn riêng"

co-giao-nguyen-thi-my-kieudocx-1636965506486.png

Hơn 13 năm gắn bó với mảnh đất vùng cao, cô Nguyễn Thị Mỹ Kiều đã có nhiều kỷ niệm đáng nhớ với nhiều thế hệ học trò. Cô kể lại: "Nhớ những ngày mới nhận công tác tại đây vào mùa khô, đường đi gập ghềnh bụi mù. Ngày đầu đến trường, vì chưa quen đường nên tôi đã bị ngã, may sao gặp các em học sinh đỡ dậy.

Rồi mùa mưa đến, đường xá lầy lội không đi được xe máy, tôi cùng các em đi bộ gần 4km lên trường. Cô trò vừa đi vừa ngã nhưng lại giúp nhau đứng dậy và đi tiếp, vẫn tràn ngập tiếng cười. Chính vì sự ngây thơ và ham học của các em mà các thầy cô cũng có thêm nhiều động lực".

Cô Mỹ Kiều tâm niệm "mỗi ngành nghề đều có khó khăn riêng", nghề giáo cũng vậy. Cái khó khăn hiện tại là vừa phải đảm bảo phòng chống dịch, vừa phải đảm bảo công tác giảng dạy. Đối với cá nhân cô, cô luôn cố gắng "vượt khó", đồng hành cùng học sinh trong mọi hoàn cảnh.

"Theo mục tiêu chương trình giáo dục phổ thông mới năm 2018, dạy học theo định hướng phát triển năng lực và kỹ năng, tôi mong muốn ngành giáo dục có sự quan tâm đặc biệt đến các em đồng bào dân tộc thiểu số, tạo điều kiện về cơ sở vật chất và thiết bị dạy học tại các trường vùng cao để tạo hứng khởi đến trường mỗi ngày cho các em. Việc các em được tiếp tục đến trường, theo đuổi ước mơ là mong muốn lớn nhất với tôi", cô Nguyễn Thị Mỹ Kiều bày tỏ.

co-giao-nguyen-thi-my-kieudocx-1636965506885.png