Những trở ngại trong dạy - học ngoại ngữ

Khảo sát, tìm hiểu tại Học viện Kỹ thuật Quân sự (KTQS), chúng tôi thấy được nhiều trở ngại trong học tập ngoại ngữ của thầy và trò. Học viên được học hai ngoại ngữ chính là tiếng Anh và tiếng Nga.

Với tiếng Anh cơ bản, các em có thuận lợi là đã được học từ phổ thông. Còn môn Tiếng Nga hầu hết học viên bắt đầu từ con số không. Năm học đầu tiên, học viên phải làm quen với nhiều môn học mới, thời gian dành cho môn ngoại ngữ không nhiều.

Thượng sĩ Nguyễn Thế Anh, học viên Lớp K54-Xe máy công binh (Khoa Động lực) cho biết: “Khó nhất là việc làm quen với ngoại ngữ từ đầu. Yêu cầu đòi hỏi cao trong khi nền tảng ban đầu môn Tiếng Nga không có. Việc tiếp thu từ mới đến nắm ngữ pháp cũng như phương pháp học tập ở bậc đại học có nhiều thay đổi là những trở ngại không nhỏ khi học tập ngoại ngữ”.

1.hvktqs.jpg

Học ngoại ngữ trong phòng học chuyên dùng tại Học viện Kỹ thuật quân sự. Ảnh: THÀNH HOAN.

Một rào cản nữa đặt ra đối với việc dạy-học ngoại ngữ là môi trường học tập và giao tiếp. Học viên trong các trường quân đội nói chung, Học viện KTQS nói riêng ít có cơ hội tiếp xúc, giao lưu với người bản ngữ. Môi trường học tập gần như chỉ gói gọn trong không gian giữa thầy và trò. Điều này hạn chế phần nào vốn từ vựng và khả năng sử dụng ngoại ngữ, nhất là nghe, nói.

Đối với đội ngũ giảng viên, theo Đại tá, TS Nguyễn Ngọc Hà, Phó chủ nhiệm Khoa Ngoại ngữ, các giảng viên đều có trình độ cao, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ, song số lượng còn thiếu, dẫn đến áp lực cao trong công tác giảng dạy. Bên cạnh đó, mô hình học cụ, nội dung giảng dạy, các thuật ngữ chuyên ngành liên tục được bổ sung, đòi hỏi từ giáo trình đến phương pháp giảng dạy của giảng viên phải thường xuyên đổi mới, cập nhật mới đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo

Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, Thiếu tướng, PGS, TS Lê Minh Thái, Phó giám đốc Học viện KTQS, nhấn mạnh: “Xác định dạy-học ngoại ngữ là nhiệm vụ chính trị quan trọng, cấp bách của nhà trường nên Đảng ủy, Ban giám đốc học viện đã ban hành nghị quyết chuyên đề lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ dạy-học ngoại ngữ, chủ động xây dựng Đề án đào tạo, bồi dưỡng tiếng Anh, tiếng Nga chuyên ngành kỹ thuật tại giai đoạn 2021-2030”, triển khai thực hiện đồng bộ trong toàn học viện.

Hiện nay, cán bộ, giảng viên, học viên Học viện KTQS đã quen thuộc với các buổi sinh hoạt câu lạc bộ ngoại ngữ, luôn sôi nổi thảo luận chuyên đề bằng tiếng Anh và tiếng Nga. Chủ đề mỗi buổi thảo luận là những vấn đề nóng, đang được dư luận quan tâm hay đơn giản như tìm hiểu cấu tạo, nguyên lý hoạt động của một khí tài mới...

Tại mỗi buổi thảo luận, giảng viên sẽ hướng dẫn cách thức trao đổi, chỉnh sửa phát âm, ngữ pháp cho học viên. Mô hình câu lạc bộ với những buổi sinh hoạt đã tạo ra môi trường giao tiếp ngoại ngữ, giúp học viên làm quen và nắm bắt thuật ngữ chuyên ngành dễ dàng.

Thượng sĩ Nguyễn Thanh Hà, lớp K53-Công nghệ thông tin (Khoa Công nghệ thông tin) cho biết: “Em tham gia Câu lạc bộ tiếng Nga ngay từ khi nhập học. Tuần vừa qua, câu lạc bộ đã tổ chức buổi sinh hoạt với chủ đề về học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Việc giao tiếp, thuyết trình, trao đổi đều sử dụng tiếng Nga. Qua những buổi sinh hoạt này, trình độ, kỹ năng sử dụng ngoại ngữ của em được nâng lên rõ rệt”.

Một cách làm hiệu quả nữa tại Học viện KTQS là việc lập các nhóm học tập với tài liệu phù hợp. Đại úy Lê Thị Kim Anh, giảng viên tiếng Anh (Khoa Ngoại ngữ) cho biết: “Quá trình giảng dạy, chúng tôi nhận thấy trình độ học viên không đồng đều. Để "đẩy khá, xóa kém", giảng viên tổ chức lớp thành từng nhóm, giao cho những học viên học tốt ngoại ngữ phụ trách. Tài liệu học tập cũng được biên soạn phù hợp với từng nhóm.

Quá trình dạy-học, giảng viên và học viên đều giao tiếp bằng tiếng Anh. Đặc biệt, các bài giảng tiếng Anh thường lấy từ kiến thức quân sự hay thông tin về một vũ khí, trang bị mới, cuốn hút người học say mê tìm hiểu...

Bên cạnh các mô hình câu lạc bộ, tổ chức dạy học theo nhóm, đổi mới phương pháp dạy học, Học viện KTQS tăng cường thời gian ngoại khóa và liên tục cập nhật hệ thống bài tập tự học mới, giúp học viên phát triển ngôn ngữ.

Đồng thời học viện thường niên tổ chức các cuộc thi tiếng Anh, tiếng Nga cấp học viện và tích cực tham gia các cuộc thi do cấp trên tổ chức. Nhiều năm liên tục, đội tuyển tiếng Nga và tiếng Anh của Học viện KTQS luôn giành được giải cao trong sân chơi của toàn quân, toàn quốc. Đây là minh chứng sinh động cho những kết quả tích cực của thầy và trò nhà trường trong dạy-học ngoại ngữ.

2.hvktqs 3.jpg

Lãnh đạo Học viện Kỹ thuật quân sự động viên đội tuyển dự thi Olympic tiếng Nga các học viện, trường sĩ quan toàn quân lần thứ hai, năm 2022. Ảnh: THÀNH HOAN

Xây dựng người thầy “hai trong một”

Trong dạy-học ngoại ngữ, Học viện KTQS luôn xác định, xây dựng đội ngũ giảng viên ngoại ngữ, đặc biệt là giảng viên dạy ngoại ngữ chuyên ngành cần đi trước một bước. Bên cạnh dạy ngoại ngữ cơ bản, học viện đã chủ động xây dựng đội ngũ giảng viên dạy ngoại ngữ tại các khoa chuyên ngành kỹ thuật.

Hiện nay, toàn học viện có hơn 70 giáo viên từ các khoa được đào tạo bài bản, đáp ứng tốt yêu cầu “hai trong một”, vừa dạy tốt kiến thức khoa học kỹ thuật, vừa đảm nhiệm dạy tiếng Anh và tiếng Nga chuyên ngành.

Theo Thiếu tướng, PGS, TS Lê Minh Thái, đây là đội ngũ nhà giáo có trình độ chuyên môn cao, cơ bản có học vị tiến sĩ chuyên ngành, được đào tạo bài bản tại các nước sử dụng tiếng Anh và tiếng Nga. Học viện đã tuyển chọn kỹ lưỡng, cử đi bồi dưỡng chuyên môn và phương pháp dạy học ngoại ngữ. Hiện nay, các giảng viên này đã chủ trì, đảm nhiệm tốt dạy ngoại ngữ chuyên ngành.

Trước đây, dạy ngoại ngữ chuyên ngành do Khoa Ngoại ngữ đảm nhiệm. Tuy nhiên, giảng viên khoa ngoại ngữ thường không nắm chắc kiến thức về khoa học kỹ thuật chuyên ngành nên gặp khó khăn khi truyền thụ cho học viên.

Thấy rõ vướng mắc này, nhà trường đã giao cho giảng viên tại các khoa kỹ thuật dạy ngoại ngữ chuyên ngành cho học viên. Để bảo đảm chất lượng, yêu cầu được đặt ra là toàn bộ giáo án, bài giảng, quá trình kiểm tra, đánh giá phải thông qua giảng viên Khoa Ngoại ngữ để phối hợp kiểm soát chuẩn về ngôn ngữ và phương pháp.

Cũng như nhiều khoa, ngành khác trong Học viện KTQS, tại Khoa Động lực, giảng viên đã tự giảng dạy ngoại ngữ chuyên ngành cho học viên. Thượng tá, TS Tô Viết Thành, Chủ nhiệm Bộ môn Tăng-Thiết giáp (Khoa Động lực) cho biết: "Khó khăn ban đầu chủ yếu là về từ vựng và ngữ pháp. Bài giảng gần như phải xây dựng mới. Vì vậy, tổ bộ môn đã tập trung làm tốt công tác chuẩn bị, biên soạn, thống nhất giáo án, bài giảng. Để nâng cao trình độ ngoại ngữ cho giảng viên, định kỳ tổ bộ môn sinh hoạt chuyên môn bằng ngoại ngữ hai tháng một lần.

Việc phát huy đội ngũ giảng viên “hai trong một” và những cách làm sáng tạo đã góp phần thay đổi về chất trong dạy-học ngoại ngữ tại Học viện KTQS. Năng lực đọc, dịch, trình bày báo cáo bằng ngoại ngữ của học viên ngày càng được nâng cao. 

Nhiều học viên lựa chọn làm đồ án tốt nghiệp bằng ngoại ngữ. Học viên tốt nghiệp ra trường cơ bản đều đọc, hiểu tài liệu kỹ thuật bằng tiếng nước ngoài ở chuyên ngành mình. Đây là tiền đề quan trọng để đội ngũ cán bộ sau khi ra trường nắm bắt, làm chủ các khí tài, trang bị mới, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa quân đội trong tình hình mới.

Đến kiểm tra và làm việc tại Học viện KTQS mới đây, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã biểu dương, đánh giá cao phương pháp dạy-học ngoại ngữ của cán bộ, giảng viên, học viên Học viện KTQS; đồng thời yêu cầu giảng viên tăng cường giảng các nội dung liên quan đến hoạt động quân sự; hướng dẫn học viên phương pháp tự học, tự nghiên cứu, nhất là đọc nhiều để có vốn kiến thức ngoại ngữ vững chắc, vận dụng vào thực tế hiệu quả.